KTĐT - Qua 2 năm thực hiện Luật Công chứng, số lượng TCHNCC và các công chứng viên đã phát triển nhanh về số lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 244 TCHNCC với hơn 600 công chứng viên.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020". Đây là cơ sở cho việc phát triển mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) rộng khắp và phân bố hợp lý trên cả nước, đáp ứng nhu cầu công chứng toàn bộ các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Qua 2 năm thực hiện Luật Công chứng, số lượng TCHNCC và các công chứng viên đã phát triển nhanh về số lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 244 TCHNCC với hơn 600 công chứng viên.
Nhiều văn phòng công chứng được thành lập đã giảm áp lực lên bộ máy nhà nước và cũng là động lực để ngành này phát triển chuyên nghiệp hơn. Nhưng vấn đề mấu chốt là việc phát triển hành nghề công chứng chưa có quy hoạch tổng thể, hợp lý trên từng địa phương. Việc tổ chức thực hiện tách bạch giữa công chứng và chứng thực còn gặp nhiều khó khăn.
Trên cả nước hiện có 28 địa phương có Văn phòng công chứng, trong đó riêng Hà Nội có đến 42 Văn phòng, TP. Hồ Chí Minh có 12 Văn phòng... Sự bố trí không đều và mang tính tự phát nên chưa đáp ứng được việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng để đảm bảo an toàn pháp lý cho giao dịch của người dân.
Vì vậy, việc quy hoạch phát triển TCHNCC phải được xây dựng trên cơ sở nhu cầu công chứng của xã hội, diện tích và phân bố dân cư, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng khu vực, bảo đảm sự hài hòa, hợp lý trong quy hoạch phát triển, lấy cấp huyện làm đơn vị quy hoạch giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
4 hoạt động để quy hoạch, phát triển hoạt động công chứng
Theo Đề án này, trước hết sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động các TCHNCC trong phạm vi cả nước, kết hợp với khảo sát, học tập thêm kinh nghiệm xây dựng, quy hoạch phát triển TCHNCC ở nước ngoài (sẽ lấy Pháp, Đức là 2 nước để tham khảo). Việc khảo sát này phải được tiến hành thực hiện trong quý I/2010 với quy mô chọn mẫu điều tra theo vùng, miền để từ đó xác định các tiêu chí phân bố các TCHNCC theo từng khu vực.
Tiếp đó, tiến hành xây dựng, ban hành các tiêu chí xây dựng Quy hoạch TCHNCC ở địa phương và hướng dẫn các địa phương xây dựng Quy hoạch. Thời gian thực hiện hoạt động này vào Quý II/2010.
Vào thời gian Quý II và III/2010, tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển TCHNCC ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bằng cách rà soát, đánh giá các Đề án phát triển TCHNCC đã ban hành theo quy định của Nghị định số 2/2008/NĐ-CP và bổ sung, điều chỉnh, đề xuất Quy hoạch nói trên. Tất cả các đề xuất Quy hoạch về TCHNCC trên cả nước được hoàn thành và thẩm định bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ Tư pháp thành lập.
Trên cơ sở kết quả thực hiện 3 hoạt động trên, tiến hành nghiên cứu, xây dựng tổng thể Quy hoạch và hoạt động cuối cùng để hoàn tất Quy hoạch này được hoàn thành vào tháng 12/2010 và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.