Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 600 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng DN dự Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị.

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0", Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018 đã chính thức khai mạc vào sáng 5/7.
Theo kế hoạch, phiên toàn thể của hội nghị diễn ra vào chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị.

Hội nghị do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của 600 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng DN.

Nội dung của hội nghị sẽ bàn tới các giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, tập hợp những kiến nghị chính sách là tiền đề xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã chính thức không còn là câu chuyện của những nước phát triển mà đã trở thành kim chỉ nam và là con đường duy nhất cho sự phát triển của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam nói riêng. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trở thành một xu thế bắt buộc. Tuy nhiên, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này.

Quang cảnh phiên khai mạc hội nghị.
“Nỗ lực cần đến từ tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực DN đóng vai trò quan trọng việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động kinh doanh của mình”, ông Vũ Tiến Lộc nói. Cụ thể, thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo, có tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô, có thể đo lường hiệu quả, có thể nhân rộng và vượt qua khỏi hình thức kinh doanh thông thường.

Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione gợi ý, để thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực vốn có như thể chế, con người, nguồn lực tự nhiên, song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn.

Trong phiên làm việc buổi sáng, hội nghị cũng tập trung thảo luận về các nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới của thế giới, nơi không có khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng triệt để và hiệu quả; tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 - khi trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tự động hóa lên ngôi thì vai trò của Chính phủ và khu vực tư là gì để đảm bảo công ăn việc làm cho mỗi người dân…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần