Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng tương lai trẻ tuổi nước Áo: Mối đe dọa cho lãnh đạo Đức, Pháp?

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có hy vọng, cuộc bầu cử tại Pháp và Hà Lan năm nay đã chấm dứt làn sóng dân túy ở châu Âu. Nhưng cuộc bầu cử Áo, đã cho thấy điều ngược lại.

Đảng trung hữu Nhân dân (OVP) do ông Sebastian Kurz đứng đầu đã giành số phiếu nhiều nhất tại cuộc bầu cử Áo, hơn 31%.
Kết quả bầu cử Áo cho thấy, khủng hoảng di cư 2015 đã để lại những vết sẹo dai dẳng giữa các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia trong tâm bão khủng hoảng. Số người xin tị nạn đến Áo đã giảm mạnh trong năm qua. Nhưng vấn đề người di cư vẫn là nội dung chủ đạo trong cuộc bầu cử.
Ông Sebastian Kurz.

Đã có hy vọng rằng, các cuộc bầu cử tại Pháp và Hà Lan năm nay tuyên bố chấm dứt làn sóng cực hữu dân túy đang nổi lên ở châu Âu. Nhưng tháng trước, cuộc bầu cử Đức đã chứng kiến sự trỗi dậy của đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) bài di cư và hiện tại là cuộc bầu cử Áo, đã cho thấy điều ngược lại.
Qua cuộc bầu cử tại Áo đã cho thấy các đảng chính trị lớn ngày càng có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề di cư, Hồi giáo và an ninh nội địa.
Ứng viên Thủ tướng sáng giá Sebastian Kurz là biểu hiện cho sự thay đổi này và thành công của chính trị gia trẻ tuổi này khuyến khích các đảng trung lập ở châu Âu theo đuổi chiến lược tương tự. Trong suốt chiến dịch, ông Kurz đã chỉ trích việc tiếp nhận người di cư, cho rằng, những người được cứu sống trên biển Địa Trung Hải cần được trả về châu Phi và cam kết sẽ giảm bớt các lợi ích cho người di cư mới đến.
Thực tế cho thấy, chính phủ liên minh mới giữa OVP do ông Kurz dẫn đầu và FPO của nhà chính trị Heinz-Christian Strache tại Áo sẽ là một đối trọng cứng rắn cho “liên minh” của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc thúc đẩy cải cách khu vực đồng Euro và chính sách tị nạn của Liên minh châu Âu (EU).
Ứng viên Thủ tướng Áo trẻ tuổi đã từng ca ngợi hành động xây dựng hàng rào dọc biên giới nước này của Thủ tướng Hungary Viktor Orban để ngăn chặn người nhập cư. Trong khi đối tác trong liên minh chính phủ tương lai Strache cho biết, Áo nên tham gia vào nhóm Visegrad của các quốc gia Trung và Đông Âu gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia - các nước thống nhất trong việc chống lại các hạn ngạch nhập cư của EU do Berlin và Brussels đề ra.
Các lãnh đạo tương lai của Áo đều hoài nghi về các bước đi hội nhập sâu hơn của khu vực đồng tiền chung Euro, đặc biệt là những thay đổi tập trung quyền lực ở Brussels, như ý tưởng do Tổng thống Pháp Macron khởi xướng về một Bộ trưởng Tài chính và ngân sách chung cho khu vực đồng Euro.