KTÐT - "Tài sản trên Internet của người quá cố thuộc về ai?". Một câu hỏi thú vị và bất ngờ. Bất ngờ là vì lâu nay ít người nghĩ tới dù có không ít “tài sản” trên mạng và vẫn đang tiếp tục tích lũy, “làm giàu”.
Luật sư Trần Hồng Phong, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Ecolaw TP.HCM đưa ra một vài ý kiến trả lời cho câu hỏi nói trên, qua đó khơi gợi một vấn đề mà luật pháp Việt Nam hiện nay còn bỏ ngỏ.
Quyền sở hữu trên không gian ảo?
Tài sản trên Internet mà chúng ta đang nói ở đây hiện hữu ở rất nhiều dạng. Đó có thể là thông tin cá nhân, hình ảnh…; Những sáng tác văn học, nghệ thuật như: Truyện, thơ, ảnh, bài viết, tác phẩm âm nhạc ..; Hay các sáng tạo khoa học như: Kiểu dáng hàng hóa, đồ họa, kỹ thuật phần mềm… Những dạng tài sản như trên đều có giá trị thật, có thể mua bán, quy đổi và được pháp luật thừa nhận về mặt nguyên tắc.
Đặc tính chung của các loại tài sản này là sản phẩm trí tuệ nên phải được điều chỉnh, ràng buộc bởi pháp luật về mặt sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vì Internet là nơi “biểu hiện” và “cất giữ” nên để xác định loại tài sản này còn cần phải có sự liên quan, tham gia của nhà cung cấp dịch vụ Internet, các bên liên quan… Thế nhưng, việc đăng ký và sở hữu loại tài sản này hầu như còn quá mới mẻ, thậm chí là chưa có. Tại Việt Nam, hầu như chưa có ai đăng ký, xác lập quyền sở hữu một cách chính thức đối với tài sản này. Hầu hết nghĩ đây là cuộc chơi, chưa nghĩ đến khía cạnh kinh tế và quyền nhân thân.
Thực tế hoàn toàn không hẳn vậy.
Theo tôi biết, mới đây tại Mỹ, có một blogger đã bán trang blog của mình với giá 350 triệu USD cho một công ty truyền thông (theo BBC). Cái giá 350 triệu này bao gồm nhiều thứ: “thương hiệu” blog, các bài viết, thông tin trên blog (gồm cả ý kiến bình luận), mức độ ảnh hưởng của blog đến dư luận xã hội, đời sống chính trị tại Mỹ…
Qua ví dụ này có thể thấy, giá trị của tài sản trên Internet có khi rất cao và có thể quy đổi thành tiền, mua bán như những tài sản thông thường. Tất nhiên, trước mắt thì tài sản này “được hiểu” là thuộc về người chủ của nó - Blogger. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý đặt ra là - sau khi blogger này qua đời, khối tài sản hiện hữu trên Internet sẽ thuộc về ai? Ai có quyền khai thác, sử dụng dưới nhiều hình thức khác: In sách, chuyển thể thành phim… Nó sẽ thuộc về công ty đã bỏ tiền ra mua? Thuộc về người thừa kế? Hoặc thuộc về cộng đồng mạng, của nhà cung cấp dịch vụ blog…?
Chưa có điều luật cụ thể
Về pháp lý, việc thừa kế tài sản trên Internet không hề đơn giản. Thử hình dung con của một blogger nổi tiếng tại Việt Nam vừa qua đời, anh ta muốn hưởng và xuất bản sách với những bài viết của cha mình trên blog?
Khi đó, làm thế nào để xác định anh ta là người được thừa hưởng những nội dung trên Internet này? Sẽ rất khó có bằng chứng vì cha của anh ta chưa chắc đăng ký bản quyền bài viết, hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xác định tài sản đó là của ông ta.
Cơ quan nào sẽ quản lý và xác nhận toàn bộ những thông tin trên Internet thuộc về chủ blog? Hiện nay, vấn đề này chưa rõ và luật Việt Nam chưa quy định. Về nguyên tắc, người viết có quyền đi đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với từng bài viết. Điều này không thực tế và cũng không đơn giản.
Khi đó, Việt Nam phải có thủ tục đăng ký blog, người đứng tên blog phải “chính danh”. Trong khi đó, nếu viết blog mà phải đăng ký, khai rõ tên tuổi, địa chỉ… thì có lẽ chẳng ai dám viết blog! Ngược lại, nếu không “chính danh” thì làm sao mà xác định quyền sở hữu? Gần đây, trên Internet có thông tin nói về dịch vụ “quản lý tài sản của người quá cố”. Theo tôi, nếu việc này xảy ra ở Việt Nam thì giá trị pháp lý của hợp đồng loại này là vấn đề còn bỏ ngỏ. Vì luật của ta chưa có quy định điều này.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải có những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, theo hướng công nhận và bảo đảm quyền sở hữu – thừa kế tài sản trên Internet. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định hiện hành.