Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội đề cập tới chủ trương cải cách tiền lương vừa được Trung ương thông qua. Theo ông, hiện có nghịch lý là tốc độ tăng tiền lương bình quân tăng nhanh hơn tăng năng suất lao động. Trong khi năng suất lao động tăng 4,4%, nhưng tiền lương khu vực công tăng 8% và khu vực khác tăng trên 12%.
Theo ông Lợi, đất nước có 53,7 triệu lao động đang làm việc nhưng 70% lại đang làm việc trong khu vực phi kết cấu (khu vực không có quan hệ lao động, dễ rủi ro cho người lao động). Trong đó tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 - 3/4 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chiếm 7,5%. "Lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết. Vì thế, phải tập trung giải pháp nâng cao trình độ, chuyển dịch cơ cấu từ ngành có năng suất thấp sang cao; đồng bộ giải pháp tăng năng suất lao động... ", ông nói.
Đề cập đến câu chuyện năng suất lao động, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cũng cho rằng: "Năng suất lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp. ĐB nhấn mạnh năng suất của Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới và khu vực nên phải coi tăng năng suất lao động là một nhiệm vụ trọng tâm. “Chúng ta cũng mất dần lợi thế lao động rẻ để thu hút FDI, cần đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động”, ĐB đề xuất.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng để tăng năng suất lao động cần có sự chuyển dịch lực lượng lao động, đó là chuyển dịch cơ cấu lao đồng từ ngành năng suất lao động thấp sang ngành năng suất lao động cao, thực hiện đồng bộ là đào tạo lao động (quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu lao động của thị trường trong nước); và quản trị DN; đầu tư công nghệ 4.0. “Chính phủ phải tiếp tục hỗ trợ các ngành, và doanh nghiệp đầu tư, ứng dung công nghệ vào sản xuất, kinh doanh”, ông Lợi nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 76% lao động trong độ tuổi lao động có việc làm. Lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng, hiện có 134.000 người Việt đi nước ngoài làm việc. Lao động Việt Nam được đánh giá có nhiều tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu tích cực hơn. Tuy nhiên Bộ trưởng Dung thừa nhận tính bền vững của việc làm hiện không cao, do thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, lưới đỡ an sinh không tốt. Lao động chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi thiếu nhân lực quản lý, chất lượng cao. Năng suất các ngành kinh tế nói chung bằng 1/3 khu vực công nghiệp và bằng 1/4 khu vực dịch vụ”,
Trong khi đó “Mỗi năm cả nước có thêm 200.000 sinh viên thất nghiệp”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nước ta đang đối mặt với tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu nguồn lao động chất lượng cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh nếu năng suất lao động được tính toán lại một cách cụ thể, do chưa tính hết kinh tế ngầm và thu nhập không chính thức, thì chắc chắn năng suất sẽ tăng.
Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng cho biết ngành đang chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá trong thời gian tới. Bộ sẽ quy hoạch lại các trường giáo dục nghề nghiệp, sẽ đóng cửa các trường không hiệu quả, chuyển sang cơ chế đặt hàng đào tạo cho doanh nghiệp. “Hiện chúng tôi đã đàm phán để đào tạo nhân lực 15 tập đoàn với số lượng 150.000 người trong 3 năm tới. Ví như một trường ở Dung Quất sắp tới sẽ đào tạo 15.800 người. Đào tạo ở đây là theo dự báo, nhu cầu, có đặt hàng, khác hoàn toàn tước kia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.