Hà Nội hiện có 5 văn phòng Thừa phát lại, các văn phòng này đã và đang phát huy tốt vai trò đối với đời sống pháp luật của người dân. Tuy nhiên trong 4 công việc của thừa phát lại là tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án thì việc thực hiện thi hành án còn hạn chế vì văn phòng thừa phát lại chỉ có quyền thi hành án tại địa bàn tại nơi đặt văn phòng .
Bà Nguyễn Kim Thu- Phó Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hà Nội cho biết văn phòng được thành lập từ tháng 2/2014 có nhiệm vụ tống đạt trên địa bàn quận Thanh Xuân, Đống Đa, lập được 83 vi bằng, ký được 2 hợp đồng xác minh điều kiện thi hành án
Hội nghị phổ biến các văn bản của Trung ương và TP Hà Nội về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP tại quận Thanh Xuân.
|
Được sự quan tâm của lãnh đạo TP, đặc biệt là sự quan tâm của Sở Tư pháp Hà Nội, Văn phòng có điều kiện phối hợp tuyên truyền Thừa phát lại đến với người dân.
Tuy nhiên, theo bà Thu, khó khăn là người dân hiện chưa hiểu nhiều về Thừa phát lại nên tìm đến với các văn phòng chưa nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ của cơ quan, đơn vị cũng chưa hiểu nhiều về thừa phát lại nên gây khó khăn khi cán bộ văn phòng thừa phát lại có yêu cầu phối hợp trong công việc.
Thừa phát lại mới thí điểm triển khai trên địa bàn TP, rất cần sự tuyên truyền của các tổ chức chính trị cơ sở đến từng người dân, nhằm giảm tải việc thi hành án dân sự cho các cơ quan Nhà nước.Trong thời gian tới để nhiều người dân biết đến các văn phòng thừa phát lại, ngành tư pháp thành phố tăng cường tuyên truyền về những ưu điểm của loại hình này. Lãnh đạo quận cần chỉ đạo cán bộ phường, tổ dân phố phối hợp với văn phòng thừa phát lại để hoạt động có hiệu quả.