Tôi định mua đất xen kẹt trong khu dân cư để làm nhà ở nhưng chưa có “sổ đỏ” nên không thể đến phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng được. Tôi nghe nói người ta có thể lập “công chứng thừa phát lại”. Xin được quý báo giải đáp giúp tôi có thể nhờ dịch vụ này hay không?
Trả lời:
Vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản (các chứng thư) ghi nhận những sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác - Theo đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Còn Công chứng là việc Công chứng viên chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng của các tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, xét về tính chất, phạm vi, hình thức của Vi bằng và Công chứng đã rất rõ ràng, khác nhau. Tại Văn bản số 1128/BTP-TCTHADS ngày 18/4/2014 của Bộ Tư pháp đã chỉ rõ: Vi bằng chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi mà không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch (như công chứng). Cho nên không thể có khái niệm công chứng thừa phát lại.
Trường hợp của bạn, nếu yêu cầu, Thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận lại việc bạn giao tiền, để làm căn cứ hai bên thực hiện thủ tục mua bán khi có đủ điều kiện pháp luật quy định (có sổ đỏ). Trong trường hợp này, vi bằng không thể thay thế cho thủ tục công chứng được.