Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa phát lại tham gia thu hồi nợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng thu hồi tài sản, kiểm kê tài sản của cá nhân, tổ chức theo hợp đồng thế chấp theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo quyền lợi của bên thu hồi nợ và bên bị thu hồi nợ như thế nào? Nguyễn Văn Quỳnh (Kim Bài, Thanh Oai).

Trả lời

Trước hết là nói về vấn đề Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản thế chấp không? Về cơ sở pháp lý của việc thu giữ tài sản thế chấp theo Điều 335, 336 về xử lý tài sản cầm cố của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm có quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm có quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ; Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/06/2014 về hướng dẫn một số vấn đề xử lý tài sản bảo đảm…

Về sự tham gia của Thừa phát lại trong quá trình thu giữ tài sản của Ngân hàng. Vi bằng có giá trị chứng cứ để bảo vệ phía ngân hàng trước pháp luật trong quá trình tổ chức việc thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại có thể tham gia thực hiện hai việc để đảm bảo trình tự và quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng:

- Lập vi bằng việc giao thông báo của ngân hàng cho các bên liên quan về việc bàn giao, thu giữ tài sản bảo đảm; Vi bằng này là cơ sở chứng minh bên xử lý tài sản bảo đảm đã gửi thông báo cho bên bị xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

- Lập vi bằng việc thu giữ tài sản bảo đảm cho ngân hàng: Bao gồm cả việc mở khóa, kiểm kê tài sản, niêm phong tài sản… trước khi đưa ra bán, đấu giá cũng như tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với cá nhân, tổ chức. Vi bằng này nhằm chứng minh việc thu giữ tài sản hoàn toàn khách quan theo trình tự luật định. Qua thực tế phối hợp giữa ngân hàng và Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông cho thấy Vi bằng thực sự có giá trị đối với Ngân hàng, giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.

Còn đối với phía người bị thu hồi tài sản có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện Ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu việc thu giữ này của ngân hàng không đúng trình tự pháp luật quy định, thì Vi bằng của Thừa phát lại là chứng cứ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị thu giữ tài sản bảo đảm.

Trong quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại sẽ quay phim, chụp hình, mô tả lại quá trình giao thông báo, hoặc toàn bộ quá trình thu giữ tài sản. Vi bằng có giá trị chứng cứ, được đăng ký tại Sở Tư pháp, đây chính là căn cứ để các bên bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Thừa phát lại
Bùi Trọng Hào - Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn