Kinhtedothi - Cánh cửa hội nhập đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi cho các DN Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do được thực thi và ký kết mới. Tuy nhiên để cơ hội biến thành hiện thực thì cần hơn nữa sự chủ động và nhạy bén từ DN và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Doanh nghiệp mơ hồ
Các nghiên cứu khảo sát gần đây của cơ quan chức năng đều cho thấy, phần lớn DN Việt Nam không biết gì về AEC, không hiểu rõ các nội dung đàm phán cũng như những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC. Theo TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, vì hiểu biết về hội nhập còn kém nên hầu hết DN chưa thật sự quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đón đầu các cơ hội và vượt qua thách thức. Khảo sát do trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) vừa thực hiện cho thấy, có đến gần 40% DN được điều tra không điều chỉnh chiến lược kinh doanh để hội nhập AEC.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội thừa nhận, có rất ít DN trong Hiệp hội hiểu và nắm rõ các cam kết hội nhập, đa phần các DN còn lúng túng chưa có phương án, giải pháp để nắm bắt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do và AEC. “Nguyên nhân một phần do các thông tin về hội nhập khá chung chung, chưa có nhiều định hướng, giải pháp hoàn chỉnh hay hiệu quả thực sự giúp DN căn cứ vào đó mà định hướng phát triển hoặc xây dựng bản sắc của riêng mình nhằm đối phó với các tác động mà việc hội nhập kinh tế mang đến” – ông Mạc Quốc Anh phân tích. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một phần lỗi không nhỏ là do DN. Chủ tịch Hội DN Trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn chia sẻ một con số khảo sát do Hội tiến hành mới đây khiến nhiều người “giật mình”: 80% số DN được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập.
Sự “vô tư” của DN sẽ dẫn đến hệ lụy là họ không tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC. Đơn cử vừa qua, Việt Nam chỉ có 25% DN tận dụng được cơ hội hưởng mức thuế 0% khi có chứng nhận xuất xứ C/O form D theo cam kết của hiệp định CEPT. Với các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết, cũng chỉ có khoảng 30% DN đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan.
Nhiều cán bộ quản lý cũng lơ mơ
“Không chỉ DN thiếu hiểu biết về cộng đồng ASEAN, mà nhiều cán bộ quản lý cũng hiểu rất lơ mơ” là nhận xét của ông Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy dẫn chứng, có lần Trung tâm WTO gửi công văn sang Bộ Công Thương đề nghị cung cấp cho DN thông tin kết quả đàm phán, nhưng câu trả lời mà Trung tâm nhận được là chưa thể cung cấp vì các hiệp định thương mại (FTA) chưa ký kết. Thậm chí, có FTA dù đã ký nhưng Bộ cũng không công khai vì cho rằng, phải thêm thời gian để đồng bộ hóa mã tính thuế.
Trong khi đó, ở 6 quốc gia cũ trong cộng đồng kinh tế ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei) đều đã có sự chuẩn bị khá tốt, đặc biệt là Thái Lan. Theo đó, quan chức Thái Lan tùy theo lĩnh vực sẽ học tiếng ASEAN, trong đó có tiếng Việt trong vòng 3 - 6 tháng. Ngoài việc học tiếng Việt, Thái Lan còn đẩy mạnh thành lập các trung tâm hợp tác với DN Việt Nam để tìm hiểu kỹ và thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, bên cạnh việc chuẩn bị tìm đường cho DN Thái đưa hàng hóa vào các quốc gia khác, Thái Lan cũng rất tích cực đặt ra các rào cản để bảo vệ DN và người lao động trong nước. “Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để mỗi ngành, mỗi cấp và DN có lộ trình thực hiện bởi việc triển khai và chuẩn bị cho hội nhập AEC của Việt Nam đang quá chậm.” – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ. Trong đó, các chính sách đưa ra một mặt vừa thúc đẩy xuất khẩu song cũng phải đặt ra những rào cản để bảo vệ DN, hàng hóa và người lao động trong nước…
Chớ vội bi quan
“Cứ mỗi lần mở cửa, hội nhập là chúng ta đều lo lắng nhưng bản thân cộng đồng DN có sức sống riêng, có sự vận động mãnh liệt. Chúng ta không nên quá bi quan, vì hội nhập là cơ hội phát triển lớn cho DN, thách thức thì bao giờ cũng có nhưng tôi tin cộng đồng DN vượt qua được” – ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI bày tỏ tin tưởng.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, qua một thời gian hội nhập WTO, nhiều mặt hàng của DN Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, thực phẩm. Riêng dệt may ở Hà Nội là ngành có nhiều DN mạnh như dệt kim Đông Xuân, May 10... Một số lĩnh vực sản xuất dầu ăn, bánh kẹo... cũng tăng trưởng khá ổn định. Vì thế, hội nhập ASEAN sẽ là cơ hội tốt để DN phát triển và khẳng định vị thế của mình.
Thực tế cho thấy, DN đã trải qua nhiều giai đoạn có tính chất bước chuyển để hội nhập và ở giai đoạn nào DN cũng vượt qua được. Mặc dù có một bộ phận không thể cạnh tranh, phải dừng lại nhưng cả cộng đồng DN vẫn phát triển. Tuy nhiên, phải làm thế nào để DN không chỉ trụ vững, vượt qua thách thức và phát triển nhanh? “VCCI rất mong muốn tái khởi động một giai đoạn phát triển mạnh khu vực tư nhân, phát huy sức mạnh của kinh tế thị trường và tư nhân sẽ tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế” – đại diện VCCI nhấn mạnh. Vì thế, nếu như năm 2015 được nhấn mạnh là “Năm doanh nghiệp” thì từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương cần có sự đồng thuận cao hơn để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN.
Dây chuyền lắp ráp máy tính tại Công ty Hanel. Ảnh: Hoài Nam
|
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC, khoảng 90% dòng thuế giảm còn 0% vào năm 2015, nhưng chỉ thực hiện ở 6 nước, 4 nước trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar được linh hoạt đến năm 2018. |
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và là một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). |