Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa vốn, ngân hàng vẫn “níu chân” khách gửi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi một số ngân hàng lớn mạnh dạn hạ lãi suất tiền gửi thì các ngân hàng nhỏ lại âm thầm thực hiện các chương trình hút vốn để "giữ chân" khách hàng.

Nguyên nhân khiến các ngân hàng thừa vốn vẫn phải tăng huy động là để đón đầu "mùa" tín dụng cuối năm cũng như việc tăng các chi phí trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu.

Ngân hàng lớn “tiên phong” giảm lãi suất

Theo biểu niêm yết mới của các ngân hàng vừa công bố nửa đầu tháng 6, lãi suất huy động VND tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm nhẹ từ 0,1 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 5,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức 5,4%/năm. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng rút xuống còn 5,7%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12 - 60 tháng lãi suất cũng giảm xuống còn 6,8%/năm.

Tương tự, VietinBank cũng giảm lãi suất huy động VND so với trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 2 tháng tại ngân hàng này giảm xuống còn 5%; từ 2 tháng đến dưới 3 tháng là 5,5%; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,75% và từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6%. Một số ngân hàng khác như MB, BIDV… lãi suất các kỳ hạn ngắn vẫn ở mức thấp.

 
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh:  Hải Linh
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Xu hướng một số ngân hàng lớn giảm từ 0,1 - 0,3%/năm lãi suất huy động một số kỳ gửi ngắn hạn khiến nhiều dự đoán cho rằng, thị trường sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất huy động trên diện rộng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhóm nghiên cứu thị trường Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), động thái cắt giảm lãi suất của các ngân hàng này chỉ mang tính giảm chi phí nguồn vốn cục bộ và không tác động nhiều lên mặt bằng lãi suất chung. "Tính đến thời điểm hiện tại, mức trần lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, trên cơ sở dự báo CPI cả năm 2014 chỉ ở quanh mức 5%" - nhóm nghiên cứu của VCBS nhận định.

Cũng theo VCBS, tỷ lệ lãi cận biên (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) sụt giảm mới là nguyên nhân chính khiến một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động nhằm đối phó với nỗi lo không đạt mục tiêu lợi nhuận. Tốc độ giảm nhanh hơn của lãi suất cho vay so với lãi suất huy động là nguyên nhân khiến tỷ lệ này tại nhiều ngân hàng giảm.

Khó giảm trên diện rộng

Trong khi các ngân hàng lớn mạnh tay cắt giảm lãi suất thì một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tiếp tục có các chính sách "giữ chân" khách hàng gửi tiết kiệm. Cụ thể, tại VPBank, từ 23/5 - 23/7, khách hàng gửi mới hoặc tái tục sổ tiết kiệm, hợp đồng, tài khoản tiền gửi có kỳ hạn với giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ có cơ hội nhận quà ngay và tham gia quay số trúng thưởng. Sacombank có chương trình "hè rộn ràng - ngàn niềm vui" với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 16 tỷ đồng…

Trên thị trường, đa số các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn duy trì lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 6 tháng ở mức trần 6%/năm. Các mức lãi suất kỳ hạn dài giao động từ 8,7 - 8,9%/năm, cao hơn nhiều ngân hàng lớn từ 1,3 - 1,5%/năm.

Hiện, thanh khoản ngân hàng không còn là vấn đề đáng ngại. Tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy vào ngân hàng trong khi đẩy vốn ra vẫn là bài toán khó. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải có chính sách "giữ chân" khách hàng để chờ "mùa tín dụng" quý IV cuối năm. Bên cạnh đó, việc áp dụng Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro cũng khiến nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên. Vì vậy, việc tăng huy động để tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng như chi phí xử lý nợ xấu là nguyên nhân khiến trào lưu giảm lãi suất khó mở rộng.­­­

 
Tính đến hết quý II/2014, dù tăng chậm nhưng tín dụng đã có nhiều cải thiện so với quý I/2014. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 6/2014 đạt 967.800 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối tháng 5 và tăng 2,4% so với cuối năm 2013. Nếu so với tín dụng trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,3% thì mức tăng trưởng tín dụng riêng trong tháng 6 là khá cao. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng này thì có thể hoạt động cho vay tại nhiều ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.