Cụ thể, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Thông tư số 02 có hiệu lực từ 11/2/2019, liệt kê thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, động vật; sữa, sản phẩm từ sữa và dầu, mỡ. Theo đó, thức ăn có nguồn gốc từ thực vật chỉ bao gồm: Ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại; thức ăn thô như: Cỏ khô, cỏ tươi, rơm, vỏ trấu; phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc; mía; các loại củ khoai tây, khoai lang, khoai sọ, khoai môn, và các loại bã…
Danh mục này không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người nông dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho chăn nuôi như: Cám bã, bèo tây, thân chuối (cho lợn), hay khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống (cho thỏ)… Điều này khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Nếu tiếp tục sử dụng nguồn nguyên liệu không có trong danh mục được phép lưu hành theo quy định tại Thông tư 02 nêu trên cho chăn nuôi, thì có vi phạm pháp luật và bị xử phạt hay không?
Liên quan tới vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, Thông tư 02 vừa qua mới gia hạn và ban hành danh mục ban đầu về những nhóm thức ăn chăn nuôi chính, cơ bản nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất của người dân và DN. “Những sản phẩm như rau, bèo, chuối... là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo tập quán thì người dân vẫn có thể sử dụng…” - ông Dương cho hay. Đồng thời, đưa ra những nhận diện về nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi sử dụng nguyên liệu chăn nuôi theo tập quán.
Theo đó, với những loại thức ăn chăn nuôi mà Bộ NN&PTNT chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật như cà rốt, su hào, cải bắp đã thối nát, hay các loại thức ăn có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có dòi bọ, nhiễm khuẩn..., thì bà con không nên lạm dụng quá, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thông tin thêm, dù là những sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán thì tiến tới cũng phải xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn, có chất lượng tối thiểu mới được đưa vào làm thức ăn chăn nuôi. Và danh mục thức ăn thuộc Thông tư 02 vẫn sẽ tiếp tục được rà soát, cập nhật.
“Tôi cho rằng việc ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành là cơ sở để cơ quan Nhà nước quản lý những nhà sản xuất thức ăn tổng hợp; chứ nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi theo tập quán thì không cần đưa vào Thông tư 02. Đối với thức ăn theo tập quán như bèo, cây chuối, cà rốt, bắp cải…, tôi nghĩ cũng không cần đặt nặng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Giờ người tiêu dùng đang tìm đến các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, thì hà cớ gì phải kiểm soát...” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Phạm Đức Bình. |