Mỹ cáo buộc Triều Tiên chủ mưu tấn công mạng vào hệ thống máy chủ của hãng Sony Pictures nhưng không đưa ra được chứng cớ cụ thể, trong khi giới chuyên môn hoài nghi rất nhiều về khả năng Triều Tiên làm việc đó. Tuy mang danh nghĩa là trừng phạt kinh tế nhưng những biện pháp trừng phạt kinh tế mới của Mỹ đối với Triều Tiên lại gần như không gây nên tác động to lớn gì đối với Triều Tiên. Chúng hoàn toàn không đáng kể gì so với cả mức độ lẫn tính chất những biện pháp mà Mỹ đã áp dụng lâu nay nhằm bao vây, cô lập và trừng phạt Triều Tiên về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại. Nhưng chúng lại có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với ông Obama vào thời điểm hiện tại. Ông Obama dùng sự thể hiện thái độ cứng rắn đối với Triều Tiên trước hết vì nhu cầu đối nội, thể hiện bản lĩnh quyết đoán và mạnh bạo, đi trước phe đối lập trong cả quyết sách lẫn hành động cụ thể. Qua đó có thể thấy bản chất chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là tiếp tục duy trì thể hiện thái độ cứng rắn và chờ cho đến khi phía Triều Tiên nhượng bộ. Mỹ gọi đó là chính sách "kiên nhẫn chiến lược". Ông Obama chủ ý thể hiện sự tương phản rõ nét giữa tiếp tục căng thẳng và đối đầu với Triều Tiên trong khi đã bình thường hóa quan hệ với Cuba và đang xích lại gần Iran. Những động thái mới trong thời gian vừa qua liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên báo hiệu triển vọng ảm đạm của cả quan hệ giữa hai nước lẫn việc nối lại đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian tới. Với biện pháp trừng phạt kinh tế mới, ông Obama muốn thể hiện ý chí chính trị của Mỹ là không thay đổi chính sách đối với Triều Tiên, lại càng không có nhượng bộ mới và thêm cho Triều Tiên.