Thúc đẩy Chương trình phát triển vật liệu xây không nung - Ảnh minh họa
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, tổng công suất của 3 loại sản phẩm chính (xi măng-cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đạt khoảng 5,4 tỷ viên QTC/năm, chiếm 26-27% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2012 ước đạt 20 tỷ viên.
Sản lượng tiêu thụ vật liệu không nung năm 2012 đạt khoảng 3,5 tỷ viên chiếm 17% so với vật liệu xây. Năm 2012 đã tiêu thụ được 3,5 tỷ viên gạch vật liệu không nung, tiết kiệm được 5,25 triệu m3 đất sét, 535.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,04 triệu tấn CO2.
Tuy nhiên ở nhiều địa phương việc triển khai Chương trình còn chậm, chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm đất sét và than (loại tài nguyên không tái tạo) và việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch không nung, nên chưa tích cực thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Do đó, để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về lợi ích hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường khi sử dụng vật liệu xây không nung bằng nhiều hình thức.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo Quyết định về cơ chế xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất.
Đồng thời đề xuất sản phẩm cơ khí cụ thể trong các nhà máy chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ cho các nhà máy sản xuất vật liệu không nung được áp dụng các cơ chế hỗ trợ theo Chương trình cơ khí trọng điểm để Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung quy định trong thiết kế cơ sở: dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện, hóa chất phải được thiết kế hoàn chỉnh đến khâu xử lý tro, xỉ, thạch cao và có phương án thu hồi tro, xỉ, thạch cao; nghiên cứu, đề xuất quy mô diện tích, thời gian sử dụng bãi chứa tro, xỉ, thạch cao và đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất tăng thuế đất làm gạch và có lộ trình tăng dần lên mức trần 15%.