Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy giao thương biên mậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc đạt mốc 60 tỷ USD vào năm 2015 cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thương mại biên mậu (TMBM).

Cơ sở hạ tầng yếu kém
 
Những năm gần đây, quan hệ hợp tác, giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ, riêng năm 2012 kim ngạch song phương đã đạt hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch giao thương 2 chiều sẽ tăng trưởng mạnh hơn nếu khắc phục được những cản trở về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ với các tuyến đường thuộc "Hai hành lang một vành đai". Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn "Đi sâu hợp tác toàn diện kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/6.
 
Theo ông Hoàng Ngọc Phong - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT): Đa phần các tuyến đường quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc chưa được cải tạo, nâng cấp. "Quốc lộ 18, nối cửa khẩu Móng Cái với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ khá hẹp, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa bằng xe container. Các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc cũng đã lạc hậu. Tuyến đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn mặc dù đã được nâng cấp nhưng mới chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, chưa phải là đường cao tốc" - ông Phong dẫn chứng.
 
 
Thúc đẩy giao thương biên mậu - Ảnh 1
 
Xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.  Ảnh: Hoài Nam
 
 
Mặc dù kim ngạch thương mại qua biên giới Việt - Trung liên tục tăng trưởng từ 3,5 tỷ USD vào năm 2006, năm 2012 đã đạt trên 8,6 tỷ USD, nhưng hầu hết các khu vực cửa khẩu biên giới phía Việt Nam, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu còn yếu kém, lạc hậu. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận, thâm nhập thị trường, dịch vụ thanh toán biên mậu, kho hàng bến bãi, bảo quản hàng hóa… chưa được quan tâm phát triển.
 
Ông Nguyễn Duy Phú - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) than phiền: Hiện các thủ tục hành chính và cơ chế chính sách cho TMBM 2 nước vẫn còn bất cập trong quá trình thực hiện, chưa tạo ra hành lang thuận lợi cũng như khuyến khích DN phát triển.
 
Bên cạnh đó, hiện cơ chế TMBM của Việt Nam chưa thật sự hoàn chỉnh, thông thoáng và đầy đủ; chưa có quy định thống nhất về bộ chứng từ, quy trình thủ tục về TMBM chung cho các ngân hàng thương mại... Điều đó dẫn đến việc ngành hải quan, thuế của hai nước phải xác minh lại tất cả bộ chứng từ của DN khi hoàn thuế xuất nhập khẩu, VAT, gây tốn kém thời gian của DN, ngân hàng.
 
Sớm xây dựng dự án giao thông trọng điểm
 
Để thúc đẩy kim ngạch giao thương giữa 2 nước, hoạt động TMBM cần được chú trọng hơn, bởi hoạt động này không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra những chuyển biến quan trọng về đời sống xã hội của mỗi nước, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi Việt Nam khai thác thế mạnh kinh tế địa phương.
 
Ông Lý Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác thương mại quốc tế Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng: Muốn đẩy mạnh TMBM, hai nước cần tăng nhanh tốc độ xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc, đường sắt từ Trung Quốc đến Hà Nội, Hải Phòng, qua đó thúc đẩy sự thông suốt trên toàn tuyến đường sắt Nam Ninh - Singapore và mạng đường sắt xuyên Á. Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm khu hợp tác xuyên biên giới 2 nước như: Bằng Tường -Đồng Đăng, Long Bang - Trà Lĩnh, Đông Hưng - Móng Cái… qua đó, nâng cao trình độ thương mại, đầu tư khu vực biên giới cũng rất cần được xúc tiến. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Khổng Huyễn Hựu đề xuất: 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây nên mau chóng thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới theo hướng mậu dịch tự do từ đó tạo điều kiện cho thương nhân hai nước trao đổi hàng hóa.
 
Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy TMBM, các ngành hải quan, kiểm dịch nên đơn giản hóa các chế độ, quy định, xúc tiến trao đổi hàng hóa 2 chiều; Xây dựng cửa khẩu điện tử, mạng lưới thông tin chung, thực hiện thông quan theo hướng một cửa.
 
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, thông qua TMBM, ngành công thương cần xây dựng được những mặt hàng chủ lực tạo điểm tăng trưởng mới và tiếp tục khai thác tốt ưu đãi thương mại song phương và đa phương. Ngoài ra, các DN Việt Nam phải có các chương trình quảng bá cho những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường các tỉnh lân cận như Vân Nam, Quảng Tây… Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển hạ tầng thương mại biên giới, xây dựng các mô hình khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo ra dòng giao thương hiện đại, làm cơ sở để phát triển các loại hình dịch vụ.