Trong lúc bận rộn chuẩn bị cho Đại hội, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân vẫn bớt chút thời gian trò chuyện với báo Kinh tế&Đô thị những vấn đề xung quanh "sàn đấu" thể thao quần chúng này.
Lễ khai mạc Đại hội sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 8/12 tại Cung điền kinh trong nhà Hà Nội. Hẳn đến giờ các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, thưa ông?
- Sẽ có khoảng 1.500 người thuộc 29 quận, huyện, thị xã, 9 đơn vị đại diện cho các lực lượng quần chúng tham gia lễ diễu hành biểu dương lực lượng. Bên cạnh đó còn huy động gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long… Hiện nay, công tác phục vụ chuẩn bị cho Đại hội về các mặt như an ninh, y tế, giao thông, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, nguồn điện ưu tiên… cơ bản đã hoàn tất.
Sáng 6/12, chúng tôi đã tổ chức thành công Lễ Rước đuốc, nhận lửa từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về Cung điền kinh Hà Nội để đưa ra thắp sáng đài đuốc của Lễ khai mạc Đại hội. Tối 6/12, đã tổng duyệt chương trình khai mạc Đại hội, sau đó, Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng cố vấn, Ban tổ chức, Ban chỉ đạo họp rút kinh nghiệm, nếu có vấn đề gì sẽ chỉnh sửa ngay trong tối nay, 7/12.
Khẩu hiệu của Đại hội TDTT năm nay là "Khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc". Tại sao lại chọn khẩu hiệu này, thưa ông?
- Đại hội TDTT lần thứ VIII là đại hội TDTT lớn nhất năm của Hà Nội. Đây là lần thứ 2 Đại hội TDTT TP có đủ 29 quận, huyện tham gia. Trước đó, từ Đại hội lần thứ I đến lần VI chỉ có khu vực Hà Nội cũ. Với khẩu hiệu "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Ban tổ chức muốn nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi người Việt Nam. Để làm được điều đó, mỗi người dân Việt Nam cần có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe phải chăm tập TDTT. Với mục tiêu "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Đại hội lần thứ VIII là đỉnh cao của quá trình thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ. Qua mỗi kỳ Đại hội, có thể khẳng định sự tiến bộ của TDTT quần chúng Thủ đô không ngừng được nâng lên. Mặc dù các vận động viên chuyên nghiệp không được tham gia nhưng chất lượng chuyên môn của các cuộc thi đấu rất cao, được quần chúng hâm mộ như các môn cầu lông, điền kinh, bóng đá, bơi lội…
Những năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu về TDTT của cả nước? Đây có là mục tiêu "trọng tâm" của Hà Nội trong lần đại hội này?
- Trong TDTT, sự dẫn đầu cũng chỉ mang tính tương đối. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I đến lần thứ III, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu, nhưng từ Đại hội toàn quốc lần IV đến lần thứ VI, Hà Nội đã chiếm lĩnh "ngôi vua". Vì thế, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII cũng báo hiệu một cuộc cạnh tranh ngôi vị khốc liệt giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiến lên dẫn đầu đã khó, giữ được vị trí dẫn đầu lại càng khó hơn. Nhưng, đội ngũ những người yêu TDTT TP Hà Nội luôn quyết tâm để giữ vị trí dẫn đầu. Bởi giữ vững ngôi vị này sẽ có tác dụng tác động ngược trở lại phong trào TDTT quần chúng.
Vậy còn nhiệm vụ của TDTT thành tích cao của Thủ đô thì sao, thưa ông?
- Nhiệm vụ dẫn đầu về thể thao đỉnh cao phải thể hiện qua các chỉ số rất rõ ràng về thành tích. Với vị thế Thủ đô, chúng ta cần giữ vững vị trí hàng đầu ở trong nước và đóng góp thật nhiều huy chương giúp đoàn TDTT Việt Nam nâng cao vị thế, vị trí xếp hạng trên các đấu trường quốc tế, trước hết là tại các SEA Games 2015, 2017, 2019, và nhất là ASIAD 17 - Incheon - 2014 (Hàn Quốc), ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, Olympic 2016 tại Rio De Janero (Brazil) và Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản). Đây thực sự là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh huy chương ngày càng quyết liệt, trình độ và thành tích thể thao các nước không ngừng được nâng lên.
Xin cảm ơn ông!
Lễ bế mạc và tổng kết Đại hội sẽ diễn ra vào 9 giờ ngày 25/12 tại Nhà văn hóa Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. |
Màn đồng diễn Song quạt mộc lan tại Đại hội Thể dục thể thao huyện Gia Lâm lần thứ VIII. Ảnh: Toàn Thư
|