Chuyến thăm của Tổng Bí thư hứa hẹn mở ra phương hướng phát triển hơn nữa quan hệ Việt - Nhật trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch… song phương đã phát triển hết sức tốt đẹp.
Nhật Bản sớm đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tính từ năm 1988 đến nay đạt khoảng 37,8 tỷ USD của các dự án còn hiệu lực, đứng thứ hai trong số hơn 90 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Nguồn vốn này đã góp phần vào việc hình thành các công trình, dự án phát triển trên nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam.
Nhật Bản sớm là đối tác lớn về xuất khẩu (XK) của Việt Nam: Năm 1987, kim ngạch đứng thứ ba với 49,6 triệu USD; năm 1988 tiếp tục đứng thứ ba với 61,3 triệu USD; năm 1989, 1990 đứng thứ tư với 261 triệu USD và 340 triệu USD; năm 1991 vượt lên xếp thứ nhất. Nhật Bản cũng sớm là thị trường nhập khẩu (NK) hàng đầu của Việt Nam: Ngay từ năm 1986, kim ngạch đã đạt 121,7 triệu USD, đứng thứ hai trong các nước và vùng lãnh thổ trong nhiều năm, riêng năm 2003 đứng thứ nhất (với 2.982,1 triệu USD).
Năm 2014 so với năm 1986, XK của Việt Nam sang Nhật Bản đã cao gấp 432,1 lần, bình quân một năm tăng 23,3%, cao hơn các con số của tổng kim ngạch XK của cả nước (tương ứng là 190,3 lần và 19,8%/năm). Trong 8 tháng năm 2015, XK của Việt Nam sang Nhật Bản giảm mạnh so với VND (cách đây một năm, 1 Yên Nhật “ăn” trên 270 VND, đến nay chỉ còn trên 180 VND, tức là giảm trên 1/3. Trong các mặt hàng XK sang Nhật Bản trong 7 tháng năm 2015 có 36 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 14 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là dệt may (1.483 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (1.095 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (819 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (564 triệu USD), thủy sản (553 triệu USD), dầu thô (463 triệu USD), giày dép (364 triệu USD)...
Năm 2014 so với năm 1986, NK của Việt Nam từ Nhật Bản cao gấp 106,2 lần, bình quân một năm tăng 17,45%, cao hơn các con số của tổng kim ngạch NK của cả nước (tương ứng là 68,7 lần và tăng 15,7%/năm). Trong 8 tháng năm 2015, NK của Việt Nam từ Nhật Bản là 9,8 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; khả năng cả năm NK 15,9 tỷ USD. Trong các mặt hàng Việt Nam NK từ Nhật Bản trong 7 tháng, có 33 mặt hàng có kim ngạch trên 10 triệu USD, trong đó có 14 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, cao nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Căn cứ vào diễn biến trong 8 tháng, dự báo cả năm 2015, Việt Nam sẽ NK từ Nhật Bản khoảng 15,9 tỷ USD.
Nhật Bản là quốc gia có lượng khách đến Việt Nam đứng thứ ba, với lượng khách tăng lên hiện đã xấp xỉ 650.000 lượt người. Trong 8 tháng năm 2015, lượng khách từ Nhật Bản đến Việt Nam đã đạt 430.000 lượt người, đứng thứ ba, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cả nước bị giảm 7,5%), khả năng cả năm 2015 sẽ đạt gần 660.000 lượt người, cao nhất từ trước tới nay. Chi tiêu bình quân một ngày khách từ Nhật Bản trong nhiều năm đứng hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ (năm 2011 lên đến 167,8 USD); từ năm 2013 đã giảm xuống còn 105,1 USD, nhưng vẫn còn cao hơn mức bình quân chung (95,8 USD).
Các cuộc đi thăm giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây đã góp phần phát triển quan hệ giữa hai nước trở thành đối tác chiến lược và ngày một mở rộng, phát triển. Quan hệ sẵn có, cộng hưởng với việc cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới sẽ càng làm cho quan hệ giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Sản xuất hàng quần, áo xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Việt Linh
|
Nguồn:Tổng cục Thống kê, dự báo 2015 của tác giả dựa vào kết quả 8 tháng
|