Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy quản lý đô thị theo hướng hiện đại

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững, là một trong những nội dung được các cán bộ, đảng viên trên địa bàn quận Tây Hồ quan tâm khi góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVI.

Mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị
Đa số ý kiến đều đồng tình, Dự thảo được chuẩn bị công phu, ngắn gọn, nội dung đầy đủ, súc tích, bố cục hợp lý. Trong đó, đã khẳng định được những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua trên 14 lĩnh vực. Các chỉ tiêu, số liệu được so sánh với mục tiêu Đại hội giai đoạn 2016 - 2020 và cả nước để thấy rõ thực trạng TP trong 5 năm qua và hiện nay.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn, đa số ý kiến cho rằng, trong những năm qua, công tác này đã được TP chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển.
 Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Hùng
Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật; nhiều công trình, dự án lớn về kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, đã tạo nên diện mạo mới cho TP theo hướng bền vững và có bản sắc. Cùng với đó, công tác quản lý đô thị được đổi mới theo hướng hiện đại hóa rõ nét, cơ bản bám sát các yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn TP còn chậm tiến độ. Hiện nay, nhiều người dân ở một số khu vực vẫn còn thiếu nước sinh hoạt, việc kết nối các vùng, nhất là kết nối khu đô thị với các vùng chưa tốt, giải quyết úng ngập vẫn còn hạn chế… Cùng với đó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý sau quy hoạch…, rất cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Để đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững như Dự thảo đã xác định, các ý kiến đề xuất, về giải pháp, trước hết, nên làm rõ hơn việc đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, nhất là tại các huyện dự kiến thành lập quận đến năm 2025. Để từ đó, có giải pháp phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị toàn TP.
Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững, các ý kiến góp ý, TP nên có nghiên cứu, xin ý kiến Chính phủ và lập đề án cụ thể về nội dung này, làm cơ sở thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị trong thời gian tới.
Cùng với đó, nên có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển và quản lý đô thị như: Đổi mới phương pháp lập quy hoạch và mục tiêu lập quy hoạch hướng tới đô thị thông minh, xanh, bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị bằng công nghệ tiên tiến…
Tận dụng lợi thế đô thị
Trong các ý kiến góp ý cho Dự thảo, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống đô thị cũng được đặt ra. Như trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hà Nội tiếp tục chú trọng đầu tư và tạo chuyển biến mạnh mẽ ở cả chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vẫn nên quan tâm hơn nữa như xây dựng trường chuẩn quốc gia ở nhiều quận gặp khó khăn do thiếu quỹ đất. Đưa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thành một môn học xuyên suốt ở các cấp học, từ đó góp phần đào tạo thành công nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Đồng thời, tận dụng lợi thế là nơi có lực lượng nhà khoa học, trí thức lớn, TP nên có giải pháp, quan tâm hơn đến các cơ chế chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, phát triển khoa học, công nghệ là một nội dung quan trọng để góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.
Cùng với đó, các ý kiến cũng đề xuất, trong nhiệm kỳ tới, để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Hà Nội nên nghiên cứu, đánh giá sâu hơn việc đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Xác định rõ hơn các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm.