Sáng 17/11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đã họp rà soát tình hình thực hiện và định hướng kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng GTVT trong giai đoạn các công trình, dự án gặp nhiều tác động, khó khăn hiện nay.
Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT họp vào sáng 17/11
Theo báo cáo từ Bộ Giao thông vận tải, trong số 26 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT trị giá gần 500.000 tỷ đồng hiện nay, đã có 6 dự án được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng. Đó là Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đường HCM giai đoạn 1, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường Láng – Hoà Lạc, cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai III Hà Nội.
Một số dự án quan trọng khác như cảng Cái Mép – Thị Vải, cầu Nhật Tân, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Lào Cai Nhà ga HK T2 Nội Bài,… đạt khối lượng thực hiện cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. 13 công trình khác đạt dưới 50% khối lượng và 4 dự án chưa khởi công.
Rà soát từng dự án cụ thể, từ các đoạn tuyến trên đường HCM, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên luồng tàu Sông Hậu, cảng QT Lạch Huyện, các dự án đường sắt đô thị,…. cho thấy, vấn đề nổi cộm ở các dự án hiện vẫn là vướng mặt bằng. Một số dự án sử dụng vốn ODA, kinh phí GPMB chủ yếu sử dụng vốn đối ứng từ nguồn NSNN trong năm bố trí chưa đủ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vốn đầu tư từ các nguồn đều giảm mạnh, các dự án đầu tư giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm đều đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn, đặc biệt các hạng mục, đầu công việc sử dụng các nguồn trái phiếu chính phủ. Đáng ngại là tình trạng này dẫn đến kéo dài thời gian thi công, phát sinh một số chi phí.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là một mặt tiếp tục kiên định mục tiêu thắt chặt đầu tư, mặt khác, đẩy mạnh tối đa các mô hình đầu tư mới, rà soát, chọn lọc kỹ càng để ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách, có thể khai thác ngay.
Các Bộ, địa phương liên quan thực hiện giao ban giải quyết từng vướng mắc của các dự án, kiên quyết thực hiện các mục tiêu ưu tiên, các công trình sắp hoàn thành, bố trí vốn cho thi công các hạng mục có sẵn mặt bằng, đền bù giải phóng mặt bằng các hạng mục đã thống nhất. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đã có điều kiện thuận lợi tối đa như Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã giải phóng mặt bằng 98%, không có khó khăn về vốn.
Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng cơ chế quản lý đầu tư nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án đầu tư BOT, BT, đổi đất lấy hạ tầng, PPP có thể đi vào triển khai.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý các địa phương sớm có giải pháp xử lý những điểm tắc trong khâu giải phóng mặt bằng ở các dự án, nhất là một loạt các dự án liên quan đến Hà Nội như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà nội – Hải Phòng, đường nối cầu Nhật Tân, …
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém, gây chậm trễ ở một số công trình. Ngay cả chủ đầu tư, nếu gặp khó khăn, năng lực không đảm đương được thì xem xét để phân công nhiệm vụ cho đơn vị khác.