Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử: “Chữa bệnh” chậm triển khai

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cơ quan in và treo nội dung bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) rồi để đó. Tình trạng vứt rác bừa bãi, nói tục, chửi bậy, chen lấn nơi đông người… vẫn xảy ra.

Đó là nhận định của các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 diễn ra sáng 11/1. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 chủ trì hội nghị.

Chính quyền thiếu nhạy bén

Tính đến nay đã có 317 đơn vị treo nội dung bộ QTƯX tại bản tin hoặc trụ sở cơ quan, hơn 1.000 bài, tin, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các quy định của QTƯX. Nhiều người dân cũng chưa biết về QTƯX nơi công cộng, đó là một thực tế được nhiều đơn vị thừa nhận.
 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại cuộc họp.  Ảnh: Anh Tuấn
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Văn Phong cho rằng, ở thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, ngoài tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông TP, cần nghiên cứu xây dựng các video clip phát hành trên hệ thống yotube, lập những fanpage thu hút sự chú ý của cộng đồng về nội dung các QTƯX. “Thành đoàn Hà Nội đang nhờ sự hỗ trợ của các nhân vật nổi tiếng như danh hài Xuân Bắc, Hoa hậu Ngọc Hân… qua trang cá nhân quảng bá, tuyên truyền các hoạt động, định hướng ứng xử cho giới trẻ” – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, chỉ cần 2 sự việc chậm giao giấy chứng tử của cán bộ phường Văn Miếu (Đống Đa) và ứng xử chưa đúng mực của bà Lê Mai Trang – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã khiến hàng nghìn việc tốt bị lu mờ. Theo ông Nguyễn Văn Phong, sai của người cán bộ không chỉ ở cách hành xử ban đầu mà chậm xin lỗi, để bùng phát thông tin trái chiều trên mạng xã hội. “Chúng tôi thống kê có khoảng 12.000 comment trên mạng xã hội phê bình, phản đối sự việc xảy ra ở quận Thanh Xuân. Vấn đề là nếu sau sự việc, chị Lê Mai Trang hoặc UBND quận Thanh Xuân phản ứng nhanh nhạy, có lời xin lỗi công khai thì chắc chắn người dùng mạng xã hội đã không nặng lời phê bình đến thế” – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy phân tích.

Đề ra chế tài xử phạt

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác văn hóa không thể đo đếm bằng con số. Đặc biệt ở lĩnh vực xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, sau khi TP ban hành 2 bộ QTƯX, ý thức về giao tiếp, quảng giao của người Hà Nội đã thay đổi. Đơn cử tại quận Cầu Giấy, năm 2016 có hơn 100 điểm “rác đen” (vứt rác bừa bãi), sau 1 năm tuyên truyền nhắc nhở và cả xử phạt, đến nay trên toàn quận chỉ còn hơn 10 điểm đổ rác chưa đúng nơi quy định. Hay thay vì những bộ mặt cau có hành dân tại bộ phận một cửa, bộ phận tiếp công dân, nay nụ cười, sự niềm nở của cán bộ Nhà nước đã luôn hiện hữu, điển hình là bộ phận một cửa ở phường Quán Thánh (quận Ba Đình) hoặc nhiều cơ quan hành chính khác.

Mặc dù đã có chuyển biến nhất định, song theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, hiệu quả triển khai bộ QTƯX nơi công cộng chưa cao. Vì, chế tài xử phạt vi phạm cho các hành vi không đúng chuẩn mực văn hóa như: Vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng của Việt Nam còn quá thấp. Cho dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh”. Chính vì vậy, ông Trần Huy Sáng đề xuất cần sớm đề ra các chế tài xử phạt đối với người vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 đã giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất các chế tài xử phạt. Đồng thời yêu cầu, đến ngày 25/1, các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phải hoàn thành kế hoạch triển khai Chương trình trong năm 2018. Đặc biệt, các ngành, các đơn vị phải nhấn mạnh, đề ra đầu việc cụ thể triển khai thực hiện 2 bộ QTƯX để nét đẹp người Hà Nội thanh lịch văn minh luôn được phát huy và giữ gìn.