Kế hoạch nêu rõ, phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội. Đây là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân. Chiến lược phát triển văn hóa được thực hiện theo lộ trình, chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy lợi thế của Thủ đô Hà Nội - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đi đầu cả nước. Các hoạt động cụ thể phải phù hợp với quy luật cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đóng góp thúc đẩy tăng trưởng GDP Thủ đô.
Thông qua Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa. Đưa ứng dụng, công nghệ tiên tiến của thế giới vào Thủ đô từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt trong việc hưởng thụ các sản phẩm văn hóa.Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên cơ sở của sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô, giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành TP Hà Nội có nhiều lợi thế, tiềm năng.Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020 là phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân Thủ đô. Cụ thể, ngành điện ảnh phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất được từ 3 - 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ 4 - 6 phim/năm. Đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các Rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8 - 1,2 Iượt/người/năm xem phim.Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 triệu USD. Trong đó, đối với nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn 15 - 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có 3.500 - 4.000 buổi biểu diễn. Ngành du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số 5.263 triệu USD doanh thu từ khách du lịch: Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa.Định hướng và từng bước phát triển các ngành như kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 là phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô. Trong đó, ngành điện ảnh phấn đấu mỗi năm sản xuất 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuât 10 phim/năm. Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 8 triệu USD. Đối với nghệ thuật truyền thống, phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn trên 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có trên 4.000 buổi biểu diễn. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế.