Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp, ngành, địa phương đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông (UTGT) và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, kết quả đó vẫn còn khá thấp, thiếu bền vững và vẫn chưa đạt như mong muốn.

Bắt đầu từ việc nhỏ

Để giảm tai nạn và UTGT một cách bền vững, trước hết hãy bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, đó là giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Bởi nếu giải quyết tốt vấn đề này cũng sẽ cải thiện đáng kể  tình trạng UTGT. Thực tế ở Hà Nội vẫn còn nhiều con đường, vỉa hè bị lấn chiếm. Khi những vấn đề tưởng như nhỏ có thể giải quyết được ngay mà không làm được thì hãy khoan đề cập đến những vấn đề lớn hơn. Ở các nước tiên tiến, tuyệt nhiên không có hàng quán bày bán la liệt trên vỉa hè, lòng đường. Điều đó đã góp phần hạn chế được tai nạn và UTGT. Vì vậy, các TP lớn tại Việt Nam cũng nên thực hiện theo cách này.
Trạm trung chuyển xe buýt Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm. 	Ảnh: Công Hùng
Trạm trung chuyển xe buýt Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng
Đầu tiên, các cơ quan (đặc biệt là các cơ quan Nhà nước) cần thắt chặt nội quy lao động, yêu cầu nhân viên có mặt ở cơ quan đúng giờ làm việc. Bởi thực tế, UTGT thường luôn rơi vào những giờ cao điểm, do lượng người tham gia giao thông quá lớn. Nếu   các TP lớn nghiên cứu, thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm của một số cơ quan, đơn vị nhất định đi đôi với việc thắt chặt nội quy làm việc, thì có thể cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông.  Bởi khi ấy, người lao động, học sinh, sinh viên đi làm sớm hơn, hoặc muộn một chút (chỉ cần 10 - 15phút) chắc rằng sẽ tránh được phần nào chuyện tắc đường. Thực tế, Hà Nội đã thí điểm thực hiện việc này vào đầu năm 2012, bằng chủ trương đổi giờ học, giờ làm. Và cùng với những giải pháp đồng bộ khác, đặc biệt là việc triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ... thời gian  gần đây, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm.

Phát triển giao thông công cộng

Phát triển đồng bộ, bền vững các phương tiện giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đô thị có thể coi là việc làm đúng hướng, hợp lòng dân, vừa có tính cấp bách vừa lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển của TP văn minh, hiện đại. Trong lúc Hà Nội đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và các phương tiện hữu ích khác thì việc ưu tiên phát triển xe buýt là cần thiết. Có thể sẽ tốn kém, ngân sách phải bù lỗ, nhưng dần dần việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ giao thông trong TP sẽ đỡ cho ngân sách và khi có tàu điện ngầm, đường sắt trên cao thì xe buýt vẫn tiếp tục bổ trợ cho các loại phương tiện giao thông công cộng khác. Đi đôi với biện pháp nâng cao năng lực phục vụ của xe buýt, cần hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm TP với việc xây dựng các bãi đỗ xe ô tô, xe máy ở ngoại ô để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với xe buýt khi vào nội đô. Để thực hiện giải pháp này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng tình ủng hộ từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân để đi xe buýt góp phần giảm UTGT. Khi xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ lực được nhiều người dân lựa chọn, lúc đó, TP đầu tư mạnh hơn để sớm phát triển hệ thống đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Hà Nội.

Cần chung tay góp sức của người dân

Đã đến lúc người tham gia giao thông cũng phải nâng cao ý thức, chung sức cùng Nhà nước để giảm tai nạn và UTGT chứ không thể lúc nào cũng kêu ca phàn nàn. Do đó, mỗi người dân khi ra đường cần chấp hành tốt các quy tắc tham gia giao thông an toàn,  có văn hóa, khi xảy ra tắc đường nên nhường nhịn nhau, đi đúng phần đường của mình. Để làm được điều này không cách nào khác là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối tượng được tuyên truyền từ người già đến các em học sinh. Hình thức tuyên truyền cũng nên đổi mới thay vì khẩu hiệu chung chung, có thể xây dựng các tiết học văn hóa giao thông, ATGT trong nhà trường. Hay các hội CCB, Người cao tuổi, Phụ nữ… cũng thường xuyên được lồng ghép các nội dung tuyên truyền về ATGT, để sau đó họ tuyên truyền cho con em, những thành viên trong gia đình theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Có như vậy mới tạo ra các lớp người chấp hành tốt các quy tắc khi tham gia giao thông tiến tới hạn chế UTGT.

Đi đôi với tuyên truyền, thì công tác tổ chức, hướng dẫn giao thông cũng như xử phạt các vi phạm phải làm nghiêm minh. Chúng ta đã có bài học về cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Lúc đầu cũng nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các bộ, ngành và chính quyền các địa phương nghiêm túc chấp hành nên chủ trương này đã có hiệu quả, đi vào cuộc sống. Do đó, việc phân làn, tuyến  giao thông hiện nay cũng vậy, đừng vì một vài người đi đường thiếu quan sát, thiếu tập trung tự gây tai nạn hay một vài ý kiến trái chiều mà dùng hẳn một chủ trương, quyết định mang tính thiết thực là giảm tai nạn và UTGT bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông.