Thực hiện EVFTA: Sức ép lên ngành chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và dự kiến thông qua vào tháng 7/2020, mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên, với mức thuế suất được đưa về 0%, nhiều sản phẩm chăn nuôi có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

 Chăn nuôi lợn thịt tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trần Việt

Sức cạnh tranh yếu
Những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, EU vốn là thị trường khó tính, do đó ngành chăn nuôi nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, các nước EU sẽ đề ra những hàng rào kỹ thuật như vấn đề hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và đặc biệt là cạnh tranh trực tiếp về giá. Khi ký EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch (các sản phẩm gia cầm), số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm. Về phía các nước EU, họ cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam khi thực thi EVFTA, 27% số dòng thuế về 0% sau 3 - 7 năm. Trong khi đó, bài toán về giá cả và chất lượng sản phẩm đang là điểm yếu của ngành chăn nuôi nước ta hiện nay.
Có thể khẳng định, Hà Nội đã có đầy đủ các yếu tố để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định hơn nhằm đáp ứng cho thị trường thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng
Ông Trần Công Thắng dẫn chứng: Trước đây, khi thịt nhập khẩu từ EU phải chịu mức thuế 20 – 40% nhưng khi vào thị trường Việt Nam, giá vẫn thấp hơn nhiều với các sản phẩm cùng loại trong nước. Cụ thể, như mặt hàng thịt bò nhập từ Pháp, Argentina có giá chỉ từ 140.000 – 170.000 đồng/kg, trong khi đó giá thịt bò nội dao động từ 180.000 – 270.000 đồng/kg. Tương tự, giá thịt lợn nhập khẩu từ Đức, Ba Lan, Pháp… chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, bằng 1/4 giá thịt lợn trong nước thời điểm này. Một điểm yếu nữa của các sản phẩm chăn nuôi nước ta là tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn phổ biến, thiếu các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi…
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, năng suất sinh sản của các giống vật nuôi trong nước thấp hơn so với các nước. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều và việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Đối với người chăn nuôi, còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế nên thường xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”.
Không thay đổi khó tồn tại
Trên thực tế, sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, các địa phương đã có những chiến lược phát triển chăn nuôi cụ thể để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tại Hà Nội, đã hình thành được 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 46 chuỗi chăn nuôi... Hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiền đề xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Bên cạnh đó thu hút DN đầu tư vào chăn nuôi, thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ...
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các DN, hợp tác xã, người chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Từ đó nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cụ thể như cải tạo và phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các quy trình gây giống, nuôi trồng tiến bộ, hiệu quả, tổ chức các hoạt động sản xuất một cách có tổ chức, quy hoạch cụ thể, hiện đại.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu, cần nhanh chóng hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau phát triển. Xây dựng một chiến lược tiếp cận thị trường, đánh giá được sức cạnh tranh của từng loại nông sản, tận dụng các thế mạnh của Việt Nam làm tiền đề để các DN tiến vào thị trường EU.