Giảm "gánh nặng"
Trước đây, mỗi khi gia đình có tang, người dân xã Nam Hồng, huyện Đông Anh lại lo lắng vì nhiều khoản chi phí như ăn uống linh đình, rắc tiền, vàng mã, chè, thuốc, đặc biệt là việc cải táng rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, từ sau khi thực hiện tang văn minh, "gánh nặng" đó được giảm đi nhiều. Cụ Nguyễn Thị Nghiên (82 tuổi), thôn Vệ, xã Nam Hồng cho biết, trước đây, mỗi đám tang tổ chức ăn uống 2 - 3 ngày, bình quân 60 - 70 mâm, có nhà đông con cháu lên tới 100 mâm, nhưng đến nay, chỉ còn 10 - 20 mâm, giảm được nhiều chi phí.
Điều đáng ghi nhận trong tang văn minh là người mất được hỏa táng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà Phạm Thị Thiết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã Nam Hồng cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn tuyên truyền, vận động, số lượng ca người chết được hỏa táng trên địa bàn xã ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn xã có 27/33 số người qua đời thực hiện hỏa táng, đạt tỷ lệ 81,8%. Trong đó thôn Vệ có 7/7 ca (đạt 100%), thôn Đoài có 2/2 ca (100%), thôn Tằng My 8/10 ca (80%), thôn Đìa 10/14 ca (71,4%).
Theo UBND huyện Đông Anh, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-HĐND ngày 15/7/2008 của HĐND huyện khóa XVII về thực hiện tang văn minh, đến nay việc tổ chức làm cỗ mời khách ăn uống trong ngày tang đã giảm đi nhiều. Trong đó những đám tang thực hiện hỏa táng giảm trên 80% các thủ tục ăn uống. Các hủ tục lạc hậu như lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma, bắc cầu đưa linh cữu qua đầu con cháu, chèo đò khi đưa tang đã được xóa bỏ hoàn toàn. Việc rắc tiền, vàng mã dọc đường đã giảm và 100% đám tang không mời thuốc lá, không cử nhạc sau 23 giờ đêm.
Thực hiện tang văn minh đã tạo thành nét đẹp văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Đảng viên đi trước
Thực hiện tang văn minh đã tạo thành nét đẹp văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Để cuộc vận động đi vào cuộc sống, UBND, UBMTTQ huyện Đông Anh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như: Phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, thông qua hệ thống loa truyền thanh, liên hoan văn nghệ quần chúng... Đồng thời, huyện còn mời các nhà sư, đại diện Ban Phật giáo huyện, GS sử học Lê Văn Lan nói chuyện cho người dân về văn hóa tâm linh và thực hiện tang văn minh.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Thế Khiêm, Phó Chủ tịch UBND uyện Đông Anh, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện tang văn minh. Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện đã tổ chức hỏa táng cho thân nhân khi mất như gia đình đồng chí Chủ tịch UBMTTQ huyện, Giám đốc Đài Truyền thanh huyện, Bí thư Đảng ủy xã Uy Nỗ, Bắc Hồng... Qua đó, tạo được ấn tượng tốt cho người dân noi theo.
Để hỗ trợ cho các gia đình có người qua đời được đi hỏa táng thuận lợi, các xã, thị trấn đều cử cán bộ phụ trách việc tang và đã có 16/24 đơn vị ký hợp đồng với Ban Tang lễ thành phố. Cùng với đó, để khuyến khích các gia đình có người qua đời thực hiện hỏa táng, ngoài nguồn hỗ trợ 4 triệu đồng của thành phố, huyện Đông Anh cũng trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng và các xã cũng xây dựng Nghị quyết hỗ trợ thêm từ 1 - 3 triệu đồng/ca.
Tuy nhiên, để phong trào thực sự được nhân rộng, theo ông Nguyễn Trọng Độ, cán bộ UBMTTQ huyện Đông Anh, cần giải quyết nhanh chóng tiền hỗ trợ hỏa táng cho các hộ dân. Bởi hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, sau đám tang 1 - 1,5 tháng các hộ mới nhận được hỗ trợ của huyện và thành phố trong khi nhiều xã cách trung tâm huyện 20km, người dân phải đi lại nhiều lần nên có tâm lý chán nản.
Nếu như năm 2008, tỷ lệ hỏa táng mới đạt 27% thì đến năm 2011 đã đạt 31%. 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện có 375/719 số người qua đời thực hiện hỏa táng, đạt 52,1%. Một số địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao là Nam Hồng (81,8%), Tiên Dương (74,3%), Uy Nỗ (71%), Liên Hà (72,7%), Đông Hội (67,7%)... |