Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội: Nắm chắc tình hình, ổn định từ cơ sở

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng lực, sức chiến đấu hạn chế, thiếu vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, dẫn đến những vụ việc tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Đây là thực tế tại một số tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) mà Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ, từ đó đề ra các giải pháp quyết liệt để “gia cố” những “địa chỉ” còn yếu kém này.

Hàng trăm vụ việc phức tạp

Theo đánh giá, trong những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phát hiện, giải quyết, tháo gỡ và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh trên địa bàn, trong dư luận, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn TP vẫn còn có khoảng 200 vụ việc phức tạp ở các mức độ khác nhau trên hơn 100 xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết.

Buổi đối thoại ngày 5/6 giữa lãnh đạo huyện Phú Xuyên với người dân tiểu khu Mỹ Lâm. Ảnh: Nguyễn Trường

Trong đó, phần lớn vụ việc phức tạp liên quan đến 3 lĩnh vực: Quản lý đất đai, GPMB và quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, có 83 vụ việc liên quan đến công tác quản lý đất đai (41,5%), 55 vụ việc liên quan đến công tác GPMB (27,5%) và 26 vụ việc liên quan đến quản lý trật tự xây dựng (13%). Còn lại là những vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như môi trường, rác thải; tôn giáo; chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa; dồn điền, đổi thửa; xây dựng hạ tầng nông thôn mới… Đặc biệt, có 17 vụ việc trên địa bàn 23 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã có tính chất nghiêm trọng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Rõ nguyên nhân, cụ thể giải pháp

Từng là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ đã tham gia giải quyết không ít vụ việc phức tạp, thậm chí nguy cơ diễn biến thành điểm nóng ở cơ sở. PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, mỗi vụ việc đều có đặc thù riêng như do nhận thức hạn chế, do lợi ích nhóm hay a dua theo đám đông... “Ở cơ sở có muôn hình vạn trạng, chúng ta phải tìm đúng nguyên nhân để đề ra biện pháp phù hợp” - PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nói và phân tích những điểm phức tạp xảy ra ít nhiều đều liên quan đến công tác cán bộ, không sai cái này thì sai cái khác, không thiếu gương mẫu việc này thì là việc khác. Do đó, mấu chốt vẫn là chọn lựa cán bộ có năng lực, phẩm chất trong sáng, hết mình vì việc chung.

Từ thực tiễn trên, ngày 4/7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15 - NQ/TU, nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 01 đối với TCCSĐ và hệ thống chính trị cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Nghị quyết 15 nêu rõ, cùng với yêu cầu tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của các cấp ủy và tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ TP thì trọng tâm hiện nay là xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém. Kiểm soát tốt tình hình ở cơ sở, kiên quyết không để diễn biến thành điểm nóng, đồng thời không để phát sinh các vụ việc phức tạp mới.

Nghị quyết 15 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, ngoài những giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, Thành ủy chỉ rõ phải phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Đối với các địa bàn có những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Ban Thường vụ cấp ủy trên cơ sở rà soát nắm chắc tình hình, phân loại theo vụ việc theo tính chất, mức độ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đánh giá thực chất về năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Dự báo tình hình, đề ra đường lối lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự, công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo; tập trung giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận người dân trên địa bàn, làm tăng niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó từng bước giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.

Thay ngay cán bộ yếu kém

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là “mầm mống” gây mất ổn định tại địa phương như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, VSMT, đơn thư khiếu nại, tố cáo... Bí thư Thành ủy yêu cầu người đứng đầu phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, Nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Thường xuyên, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, tạo đồng thuận thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp rất quan trọng, phải luôn đi trước một bước, đổi mới phương pháp; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm cụ thể. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa sai phạm; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong tất cả mọi trường hợp, cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin, định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp. Cùng với đó, phải nâng cao hoạt động, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động, ngăn chặn kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên mạng xã hội.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu, cấp ủy cấp trên cơ sở phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định; có kế hoạch kịp thời củng cố những TCCSĐ yếu kém; khắc phục ngay biểu hiện hình thức trong đánh giá chất lượng TCCSĐ, đánh giá cán bộ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế. Những địa bàn đặc biệt phức tạp cần quan tâm có giải pháp tập trung, khi cần thiết thì có phương án đặc thù về cán bộ ở những địa bàn này. "Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: Kiện toàn lại ngay

Công tác đánh giá, phân loại TCCSĐ và đảng viên phải đổi mới theo các tiêu chí thực chất, khách quan, đúng quy định và không hình thức. Thực tế nhiều nơi yếu kém, nhưng đánh giá cuối năm vẫn hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra việc này, việc kia mới bộc lộ rõ. Những tổ chức đảng như vậy phải tập trung kiện toàn lại ngay.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Thấy “ấm ấm” là phải xử lý ngayKhi thấy tình hình “ấm ấm”, chúng ta phải có ngay những biện pháp khoanh lại xử lý, không để lây lan. Hà Nội là nơi hội tụ, nhưng cũng lan tỏa rất nhanh cả cái tốt và cái xấu, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.