Tại "phố cà phê đường tàu" qua địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua phường Hàng Bông, phường Cửa Đông, phường Cửa Nam, phường Hàng Mã và phường Đồng Xuân. Tất cả các hộ đang kinh doanh này đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Theo những người dân ở đây, cách gọi “phố cà phê đường tàu” gọi cho sang, chứ thực ra trước đây là những căn hộ tập thể nằm sát đường sắt. Các hộ dân ở đây đều sinh sống từ trước năm 1990, trước khi Luật đường bộ, rồi Luật an toàn đường sắt có hiệu lực.
Khi một số khách nước ngoài phát hiện ra địa điểm này đã chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội, từ đó khách quốc tế biết đến ngày càng nhiều và lựa chọn nơi đây khi tới Hà Nội. Nhanh chóng bắt kịp xu hướng, một số hộ dân đã cải tạo, sửa chữa mặt tiền biến thành quán cà phê. Từ đó, tên gọi “phố cà phê đường tàu” ra đời.
Thời điểm diễn ra dịch Covid-19 vào năm 2020, mô hình kinh doanh này hoạt động, lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động và xử lý nhiều hộ kinh doanh vi phạm. Sau đợt cao điểm chống dịch qua đi, các hộ kinh doanh này lại tái diễn.
Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Các cửa hàng cà phê mặt hành lang an toàn giao thông đường sắt dừng hoạt động từ giữa tháng 9/2022.
Gần 1 năm qua, các hộ kinh doanh cơ bản tuân thủ nghiêm quy định về dừng hoạt động. Ngày 29/8, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị thời điểm gần ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023 dù rất nhiều du khách có yêu cầu nhưng các quán không tổ chức đón khách.
Lực lượng chức năng các phường có đường tàu đi qua thành lập tổ công tác chung, lập chốt kiểm tra việc thực hiện dừng kinh doanh, chia làm 3 ca, hoạt động 24/7, để tránh tình trạng cửa hàng mở chui.
Đồng thời, các lực lượng chức năng tại quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm lối đi dân sinh, duy trì nếp sống văn minh đô thị.
Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, lực lượng chuyên trách cấp phường rất mỏng, ngoài việc đảm bảo an ninh, an toàn tại đây, vẫn còn những nhiệm vụ khác ở địa phương. Rất khó duy trì chốt trực 24/24 giờ trong ngày và kéo dài; do đó khi lực lượng chốt trực thay ca, các chủ quán cà phê lại dẫn khách vào.
"Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên và đặc biệt là phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, vì theo "hoàn cảnh lịch sử" để lại, các hộ dân nơi đây từng là cán bộ, công nhân viên của ngành đường sắt, sinh sống tại đây nhiều năm.
Rất mong lãnh đạo ngành đường sắt phối hợp với các lực lượng chức năng của Thành phố sớm có phương án giải tỏa với những bà hộ đang ở trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, để bà con có nơi ở mới an toàn hơn, tốt hơn", ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Ông Hoàng Xuân Tụy (phường Cửa Đông) - chủ cơ sở kinh doanh chia sẻ, gia đình ông cũng như các hộ xung quanh trước đây là cán bộ ngành đường sắt nên được ở tại khu tập thể nơi đây. Sau này, do khách nước ngoài đến rất đông, có nhu cầu ăn uống, nên gia đình ông tổ chức buôn bán nước uống, cà phê cho khách. Từ đó, ông có thêm nguồn thu, cuộc sống gia đình ông được bảo đảm hơn trước.
Dù hiểu rõ những nguy cơ khi sống cạnh đường tàu như sự nguy hiểm, không an toàn khi tàu chạy qua, ô nhiễm khói bụi, âm thanh... nhưng "không hiểu vì lý do gì du khách nước ngoài rất thích".
Ông cho hay, bản thân ông và các hộ gia đình xung quanh luôn tuân thủ nghiêm quy định của các cấp chính quyền, nhưng ông mong muốn các đơn vị chức năng có giải pháp hài hòa để các gia đình có thể kinh doanh, nhưng du khách vẫn được an toàn.