Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, năm 2013, tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó TP Hà Nội luôn là địa phương đi đầu. 

Chuyển biến tích cực

Trong năm 2013, cả nước xảy ra 29.385 vụ TNGT (trong đó TNGT đường bộ chiếm tới 99%), làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ, 55 người chết và 3.045 người bị thương. Số vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên tăng nhưng số người chết và số người bị thương đều giảm. Đặc biệt, số vụ TNGT gây thương tích nhẹ giảm tới 9,79% so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2013, cả nước có 37 tỉnh, TP giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó có 3 tỉnh giảm trên 20% cả 3 tiêu chí nêu trên là Đồng Nai, Quảng Nam và Tây Ninh; 5 tỉnh có số người chết vì TNGT giảm trên 20%; 13 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 10 - 20%. TP Hà Nội nằm trong nhóm 13 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT giảm từ 5 - 10%.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên đường Phạm Hùng.     Ảnh: Phú Khánh
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Phú Khánh
 
Tuy nhiên, năm 2013 cũng được xem là "năm thất bại" của 19 tỉnh, TP trong công tác đảm bảo ATGT. Theo đó, 19 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 7 tỉnh tăng trên 10%. Ngoài ra, có 4 tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT là Gia Lai, Trà Vinh, Cần Thơ và Lai Châu.

Theo đánh giá chung của Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc đảm bảo trật tự ATGT, tuy nhiên, công tác này hiện vẫn đứng trước nhiều thách thức từ sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cơ giới (tăng bình quân 10%/năm), vượt xa tốc độ phát triển năng lực kết cấu hạ tầng (tăng chưa tới 1%/năm). Nhất là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao khi TNGT do lỗi của người điều khiển phương tiện gây ra vẫn chiếm tới 77%. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở T.Ư và địa phương còn chưa đầy đủ, có hiện tượng chủ quan, lơ là, thậm chí buông lỏng công tác bảo đảm trật tự ATGT...  

Nhân rộng cách làm hay

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác ATGT năm 2013 tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tình trạng TNGT đã được đại biểu các tỉnh, TP đưa ra, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng yếu như quản lý hoạt động phương tiện, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...  Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, năm 2013, TNGT trên địa bàn Thủ đô đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Để phát huy kết quả đã đạt được, năm 2014, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Mục tiêu năm 2014 tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về TNGT so với năm 2013. Cùng với đó, trong năm 2014, TP sẽ cố gắng đưa vào khai thác tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Hà Đông; hoàn thành các hạng mục dự án đang phối hợp thực hiện với Bộ GTVT như Nhà ga T2; đường Vành đai 1, 3; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai; năm 2015 đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào sử dụng...

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT năm qua cho rằng, các vụ TNGT có nguyên nhân từ phía người điều khiển phương tiện hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ATGT cho người dân là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng sẽ là giải pháp mang tính hiệu quả và lâu dài trong việc giảm thiểu ùn tắc và TNGT. 

Liên quan tới vấn đề quản lý hoạt động vận tải, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, trong năm 2013 đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan tới xe khách. Điều này có nguyên nhân từ sự lỏng lẻo trong quản lý loại hình phương tiện này. Chính vì vậy, các đơn vị liên quan cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này. Bên cạnh đó, mô hình tuần tra lưu động cần được phát huy tốt hơn nữa để hạn chế "tâm lý đối phó" của các lái xe khách, xe tải.    

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là thành công rất đáng ghi nhận. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh... có nhiều đột phá trong công tác đảm bảo trật tự ATGT với nhiều mô hình và cách làm hay cần được nhân rộng. Để đảm bảo trật tự ATGT trong năm 2014, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ban ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ và 5 giải pháp, trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác ATGT; Thực hiện tuần tra, kiểm tra theo chuyên đề, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên trên các tuyến giao thông trọng điểm; Các địa phương chủ động  phối hợp với các cơ quan T.Ư nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhất là trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 và các lễ hội Xuân trên địa bàn...

 
Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện
Đây là chủ đề Năm ATGT Quốc gia 2014. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là: Tập trung tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm chở quá trọng tải; Rà soát, sửa đổi, các văn bản, các quy định, điều kiện kinh doanh đối với xe khách, container...; Tăng cường công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định chất lượng phương tiện giao thông; Đẩy nhanh việc rà soát, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, thường xuyên kiểm tra, khắc phục các "điểm đen" về TNGT... Mục tiêu chung là giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT so với năm 2013.