Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện và quản lý quy hoạch: Vướng nhiều khâu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/3, Đoàn giám sát số 1 và số 2 của Thường trực HĐND TP do Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh và Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Hoài Đức, quận Đống Đa về thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng sau khi có Quy hoạch chung Xây dựng phát triển Thủ đô.

Vấn đề nổi lên chính là việc chậm có quy hoạch phân khu, quy hoạch chung dẫn đến không ít khó khăn, vướng mắc trong quản lý.

Chờ quy hoạch phân khu

Trong những khó khăn để thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng được lãnh đạo huyện Hoài Đức đưa ra trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát số 1 gần như đều bắt nguồn từ việc chưa có quy hoạch phân khu S2, S3, S4, GS. Những đồ án quy hoạch phân khu này, theo đại diện Sở QH - KT, hiện mới đang ở diện chuẩn bị trình TP phê duyệt.  

Thực hiện và quản lý quy hoạch: Vướng nhiều khâu - Ảnh 1

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu chỉ đạo trong buổi giám sát tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Hiền

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 136 dự án đầu tư, quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tất cả đều trước năm 2008. Trong đó, có 36 dự án đô thị nhà ở, ngoài 15 dự án đã triển khai, còn lại 21 dự án vẫn là đồ án quy hoạch "trên giấy", đất nông nghiệp do người dân đang sử dụng, hiện phải chờ rà soát lại. Do đó, từ năm 2008 đến nay, ngoài phê duyệt 19 đồ án quy hoạch xã nông thôn mới, dự án chỉnh trang trụ sở xã…, huyện chưa phê duyệt dự án mới nào thuộc quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, do quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng dọc 2 bên các tuyến giao thông chính như QL22, Hồ Tây - Ba Vì... chưa được phê duyệt, do vậy, công tác quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Khuất Văn Thành bổ sung: Chưa kể đến việc, thiếu quy hoạch phân khu, không có mốc giới, nhiều dự án trên địa bàn còn chồng lấn nhau. Cùng với đó, do trước đây các dự án đô thị được phê duyệt riêng lẻ, không có sự khớp nối hạ tầng với nhau và khu dân cư, khiến hệ thống tiêu thoát nước của huyện bị phá vỡ. Do đó, huyện đã đề nghị TP đẩy nhanh việc phê duyệt các quy hoạch phân khu, tuyến đường chính; sớm có quy hoạch vùng Bắc sông Đáy. Công bố phân kỳ đầu tư các dự án lớn của TP để huyện chủ động được trong công tác giao đất, quản lý cảnh quan đô thị...

Chưa biết chỉ giới đường đỏ

Tại cuộc làm việc với quận Đống Đa của Đoàn giám sát số 2, vấn đề thiếu quy hoạch cũng nổi lên. Mặc dù là quận nội thành cũ, nhưng hàng năm trên địa bàn quận cũng có khoảng 20 dự án xây dựng lớn. Tuy nhiên, Đống Đa đang rất khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch bởi ngoài quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận, mới chỉ có 4/21 phường có quy hoạch chi tiết 1/500. Mặt khác, quận cũng chưa được phê duyệt bản đồ phân vùng và phân khu nên chưa có cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Nhiều tuyến đường mới mở chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên đường gây khó khăn cho các hộ dân có nhu cầu cải tạo chỉnh trang xây dựng mới nhà ở.

Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Nguyễn Trọng Ngọ cho biết, hiện, nhiều người dân quan tâm hỏi xem nhà của mình có nằm trong chỉ giới mở đường không. "Tuy nhiên, căn cứ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của quận thì không thể trả lời cụ thể được. Do đó, mong muốn của quận là quy hoạch cần đi trước và sát thực tế hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân và cả yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước" - ông Ngọ nói.

Phát biểu kết luận tại huyện Hoài Đức, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Sở QH - KT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, bản đồ phân vùng, phân cấp. Cùng với đó, các cấp chính quyền cơ sở phải vào cuộc tích cực hơn trong quản lý Nhà nước với các quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường hơn công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các dự án đang trong quá trình thực hiện, đảm bảo đúng quy hoạch, lộ trình. Trong đó, nên chú ý đến vấn đề xin điều chỉnh cục bộ của chủ đầu tư, tránh tạo ra kẽ hở để biến đất dành cho hạ tầng, an sinh xã hội thành nhà ở…