Về vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cảnh báo, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, thực phẩm chức năng có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố.
3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và báo Lao Động phối hợp tổ chức hội thảo: “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng.”
Tại hội thảo ông Nguyễn Thanh Phong cho hay, thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh, từ chỗ chỉ có 13 công ty với 63 sản phẩm nhập khẩu thực phẩm chức năng vào năm 2000, đến năm 2015 đã có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Tỉ lệ sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chiếm hơn 60%.
Bên cạnh việc tăng lên nhanh chóng về số lượng, đáng lo ngại là tình trạng quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, thần thánh hóa công dụng của loại sản phẩm này cũng ngày càng phổ biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Phong cho hay: “Chưa bao giờ cơ quan chức năng lại phát hiện, xử lý sai phạm về thực phẩm chức năng nhiều như thời gian qua. Trong số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bị xử lý, vi phạm về quảng cáo chiếm hơn 97% số cơ sở vi phạm.”
Trong 7 tháng năm 2015, tính đến ngày 31/7, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra và phát hiện và xử lý 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm với tổng số tiền phạt là gần 1,9 tỷ đồng. Trong đó xử lý 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 97% số cơ sở vi phạm) với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng và xử lý 3 cơ sở vi phạm các hành vi khác như kiểm nghiệm định kỳ, công bố, ghi nhãn với tổng số tiền là 57 triệu đồng.
Hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc
Ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết tình hình thực phẩm chức năng giả về chất lượng, về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ là rất đáng lo ngại.
Điển hình như, chỉ trong vòng ba tháng (từ 15/7/2015 đến 15/10/2015), cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 3.800 vụ việc vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 22 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Theo ông Hùng, phần lớn các mặt hàng thực phẩm chức năng được làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ rõ, nguyên nhân của các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng là do nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng rất lớn nên đã cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập thực phẩm chức năng từ Trung Quốc về dán nhãn, mác các dòng sản phẩm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia…
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng sự không hiểu biết đầy đủ của người tiêu dùng, nên nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tuyên truyền, phát tán nhiều tài liệu quảng cáo cho thực phẩm chức năng không đúng với tác dụng của sản phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng chữa chữa đủ các loại bệnh.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế và các ban, ngành có liên quan sẽ tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm.
Ảnh minh họa.
|