Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm chức năng online: Ngành chức năng không quản xuể

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng bán thực phẩm chức năng (TPCN) online trên mạng xã hội với những lời quảng cáo “có cánh”, thổi phồng công dụng sản phẩm ngày càng phổ biến. Chỉ vài phút click chuột, người dân dễ rơi vào “ma trận” TPCN, giá cả bất thường, loại siêu rẻ, loại thì… “trên trời”.

Thực phẩm chức năng được rao bán tràn lan trên mạng điện tử. Ảnh: Hải Linh
“Ma trận” về giá cả và chất lượng

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, ngoài các loại TPCN cho trẻ thì các sản phẩm về tăng cường sinh lực phái mạnh, chống lão hóa, làm đẹp da cho chị em được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người mua như rơi vào “mê hồn trận” về giá cả, chủng loại. Chẳng hạn, cùng loại sản phẩm tăng cường sinh lực của Mỹ nhưng có trang mạng rao giá 650.000 đồng/lọ, có trang rao 1 triệu đồng/lọ.

Gõ từ “Tảo xoắn của Nhật”, google cho khoảng 527.000 kết quả nhưng chỉ 5 hình ảnh đầu tiên đã có tới 5 mức giá khác nhau dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/hộp. Tại một số trang Facebook khác, giá của sản phẩm này lên tới 1,2 triệu đồng/hộp. Với sản phẩm Tinh chất mầm đậu nành của Mỹ, có nơi rao bán 300.000 đồng/lọ nhưng có nơi bán 450.000 đồng/lọ. Omega 3-6-9 của Đức giá từ 225.000 - 400.000 đồng/hộp...
Việc quản lý các website, mạng xã hội không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nên Cục ATTP đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu các DN, website quảng cáo TPCN sai phạm phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng… Còn việc họ có thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong

Chị Nguyễn Thu Hằng (phường Bằng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị nghe nói về một loại tảo tăng chiều cao của Nhật có khả năng giúp trẻ tăng từ 3 - 8cm/tháng. Trên Facebook, chị tìm ra một trang chuyên hàng xách tay từ các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... có bán mặt hàng này giá 750.000 đồng/hộp. Thế nhưng, ở nhiều trang mạng khác, chị lại vô cùng hoang mang khi thấy giá của mỗi nơi một khác, có nơi bán chênh lệch đến tiền triệu. Sản phẩm nào người bán cũng cam kết hàng chính hãng, do người nhà chuyển từ nước ngoài về bằng đường “xách tay”. Giải thích về mức giá khác nhau, nơi bán giá cao cho rằng sản phẩm của họ mới là hàng “xịn”, còn nơi bán giá thấp thì cho biết nhập được nguồn rẻ, hoặc khuyến mãi... Càng bối rối hơn khi chị đọc công dụng của các sản phẩm này, có loại cam kết tăng thêm 3 - 5cm, có loại mạnh hơn cam kết tăng chiều cao từ 5 - 10cm.

Bán hàng online chưa bao giờ dễ dàng đến vậy, khi các trang web bán hàng, tất cả đều chỉ có tên miền là .com hoặc .live..., tức là những tên miền mà cá nhân nào đăng ký cũng được. Truy cập vào một website có tên “thienduonglamdep”, phóng viên đặt mua sản phẩm KichmenPlus, giá 790.000 đồng, quảng cáo được cải tiến ưu việt hơn, với những thảo dược cực kỳ cao cấp và có hiệu quả cao trong việc hỗ trợ tăng cường sinh lý nam. Đáng chú ý, khách hàng của các sản phẩm này là những nam diễn viên rất nổi tiếng như Việt Anh, Đồng Thanh Bình... với những chia sẻ cảm nhận sau khi dùng thuốc. Chỉ 30 phút sau, một nhân viên của cửa hàng đã gọi điện tư vấn thêm các sản phẩm khác và “chốt” địa chỉ giao hàng cho chúng tôi.

Điểm chung của các trang web này là tìm mỏi mắt các mục liên hệ, hay giới thiệu về người bán đều không thấy bất cứ một thông tin nào về địa chỉ hay cơ sở sản xuất, phân phối, nhập khẩu... Khi mua hàng, người mua chỉ cần điền tên, địa chỉ nhận hàng vào đơn hàng điện tử, sau đó sẽ có người xưng là của công ty đến giao sản phẩm tại nhà. Hỏi kỹ mới biết, những người đưa hàng cũng chỉ là các shipper.

“Danh sách đen” ngày một dài ra

Những năm gần đây, khi bán hàng online trở thành cao trào, liên tiếp các thông tin khuyến cáo về các sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng đã được Cục ATTP (Bộ Y tế) đưa ra để cảnh báo.

Theo lãnh đạo Cục ATTP, bên cạnh các biện pháp xử phạt chính theo quy định, hàng tuần Cục sẽ công khai tên các DN, sản phẩm, website quảng cáo TPCN không đúng nội dung được cấp phép quảng cáo trên website của Cục ATTP và các phương tiện báo chí để cảnh báo tới người tiêu dùng. Đặc biệt, với những sản phẩm TPCN bị phát hiện có sai phạm về quảng cáo trên một số website, mạng xã hội nhưng DN sản xuất ra sản phẩm đó không thừa nhận, Cục ATTP sẽ đưa các sản phẩm vi phạm này vào “danh sách đen”. Những sản phẩm này sẽ bị lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, sẽ bị thanh, kiểm tra với tần suất nhiều hơn.

Mới đây, website: https://www.facebook.com/caolongvuong quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng khí vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP đã làm việc với công ty, tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định sản phẩm không phải do công ty thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng. Hiện, Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.

Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm khác cùng một cách thức bán hàng và bị xử lý tương tự như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Albavit Kids IQ Boost của Công ty CP Thương mại Polvita (ô số 1, tầng 16, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo trên website: https://duocnhapkhau.vn; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hoàn Xuân Thang của Công ty CP Đầu tư Akina Đông Á (KM 30 đại lộ Thăng Long, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) quảng cáo trên các website: https://hoanxuanthang.vn, https://hoanxuanthangvn.com...

Đáng chú ý, các sản phẩm này đều thuộc dạng TPCN nhưng lại không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các công ty được cho là chủ sở hữu sản phẩm khi làm việc với Cục ATTP đều cho rằng, họ không quảng cáo, còn ai quảng cáo sản phẩm cho họ thì… không biết (!?). Trên website của Cục ATTP liên tiếp đưa thông tin cảnh báo về vấn đề này, “danh sách đen” ngày một dài ra, tuy nhiên, không mấy người tiêu dùng quan tâm.

Xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, nguyên tắc đối với TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước đều được bán công khai trên các trang mạng. Đó là lưu hành sản phẩm bất hợp pháp. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo này cũng không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên vô hình chung tiếp tay cho sai phạm.

Từ quá trình thanh, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm. Đáng chú ý, tình trạng nhiều trang web quảng cáo sai phạm đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo. Theo lãnh đạo Cục ATTP, thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ quảng cáo qua mạng, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại. Trên các trang mạng, họ “nổ” là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh, kiểm tra, nhiều người không có kiến thức gì về dinh dưỡng, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học cũng đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn TPCN.

Riêng về quảng cáo, Cục ATTP đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ TT&TT để công khai thông tin về các sản phẩm vi phạm, các trang website quảng cáo sản phẩm sai phạm, đồng thời thanh, kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc. Ông Phong cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin khi mua sản phẩm, chỉ mua những sản phẩm đã được cấp phép, công bố chất lượng, mua ở những cửa hàng, hiệu thuốc được cấp phép hoạt động. Không nên mua hàng “xách tay” vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.