KTĐT - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo vấn đề thực phẩm nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản nghiêm trọng hơn dự kiến.
Sau khi Bộ Y tế Nhật Bản phát hiện nhiều loại rau như hạt cải dầu, rau cải cúc, rau spinash... có lượng nguyên tố phóng xạ vượt quá quy định, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo vấn đề thực phẩm nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản nghiêm trọng hơn dự kiến.
Tuy chưa có kết luận cụ thể về mức độ ảnh hưởng của các thực phẩm này tới sức khỏe con người, nhưng đây là vấn đề mà mọi người rất quan tâm, bởi khá nhiều loại thực phẩm được nhập khẩu từ Nhật về Việt Nam.
"Chúng ta cần bình tĩnh, vì việc kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật đã và đang được các cơ quan quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm ở Việt Nam tiến hành chặt chẽ, để thông báo kịp thời cho cộng đồng", ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), nói xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, Bộ Y tế Nhật cũng cho biết một số loại rau, thực phẩm của họ đã bị nhiễm phóng xạ quá mức cho phép và Chính phủ Nhật cũng đã cấm 4 tỉnh không xuất hàng ra ngoài. Vậy ông có thể cho biết khả năng các loại thực phẩm trên có thể được “lọt” vào Việt Nam không?
Chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng số hàng nhập về Việt Nam trước và sau sự cố hạt nhân. Hầu hết hàng nhập ở Nhật hiện lưu thông ở Việt Nam đều có từ trước sự cố 11/3
Vì khi xảy ra thảm họa, thì cả vùng Fukushima và ba tỉnh lân cận đều tập trung cho công tác cứu hộ, cứu nạn nên các nhà máy, công ty đều ngừng trệ hoạt động nên không thể xuất nhập khẩu được. Do đó, việc đưa các mặt hàng thực phẩm rời khỏi Nhật rất hạn chế, nên chúng ta không có gì đáng lo.
Dù vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương nắm số liệu các nhà hàng Nhật Bản và điều tra về tình hình tiêu thụ các mặt hàng cần phải xem xét như rau, thực phẩm tươi sống được nhập từ miền Trung hoặc phía Bắc của Nhật và báo cáo về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ngay.
Còn theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm từ ngày 20/3 trở lại đây, thì chỉ có khoảng 25 mặt hàng nhập từ Nhật, chủ yếu là các mặt hàng đóng hộp, phụ gia thực phẩm. Còn thực phẩm tươi sống, chúng tôi đang cập nhật thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì các mặt hàng tươi sống từ các công ty thủy sản của Nhật liên kết với Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê.
Tất nhiên sự việc trên chưa thật sự đáng lo ngại, nhưng chúng ta cũng cần phải có biện pháp đề phòng. Bộ Y tế đã có những biện pháp nào để kiểm soát vấn đề này?
Ngay khi có thông tin về một số thực phẩm ở Nhật Bản bị nhiễm xạ, chúng tôi đã họp nhiều lần với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đưa ra các giải pháp kịp thời.
Là cơ quan quản lý nhà nước, việc đầu tiên là chúng tôi thông báo đến các cơ quan thương mại, Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật, Đại sứ quán Nhật ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản vào Việt Nam về việc phải xuất trình giấy chứng nhận giấy an toàn phóng xạ do cơ quan có thẩm quyền tại Nhật Bản cấp đối với lô hàng nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm nhập khẩu.
Chúng tôi cũng chỉ định 4 đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ lấy mẫu các mặt hàng thực phẩm để kiểm tra nồng độ phóng xạ và hiện vẫn tiếp tục theo dõi sát.
Bộ Y tế cũng gửi thông điệp đến các cơ quan hải quan để kiểm tra ngẫu nhiên các mặt hàng nhập vào Việt Nam và ngay cả các cơ quan hải quan của Nhật cũng kiểm tra rất chặt. Đây là những nơi có đủ năng lực để kiểm tra nồng độ phóng xạ, nên ngành y tế không cần phải triển khai trang bị thiết bị kiểm tra phóng xạ, bởi vì sẽ rất tốn kém.
Với các biện pháp như vậy, liệu người tiêu dùng Việt Nam đã có thể yên tâm về các loại thực phẩm nhập từ Nhật? Quy trình kiểm tra xét nghiệm như thế có mất nhiều thời gian không, thưa ông?
Chúng ta cần bình tĩnh, vì việc kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật đã và đang được các cơ quan quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm ở Việt Nam tiến hành chặt chẽ, để thông báo kịp thời cho cộng đồng. Không chỉ thực phẩm, mà cả người trở về từ Nhật Bản cũng đã được cơ quan y tế kiểm tra nồng độ phóng xạ.
Hiện tại, chưa có gì đáng lo ngại, vì khuyến cáo mới nhất của WHO và Bộ Y tế Nhật Bản là các thực phẩm có nhiễm xạ cũng ở mức độ không nguy hại cho sức khỏe. Phía Nhật Bản cũng công khai từng ngày, từng đơn vị thực phẩm bị nhiễm xạ. Đặc biệt, liều về nhiễm xạ của Nhật quy định ngặt nghèo hơn 10 lần so với của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và được công bố công khai để chúng ta theo dõi.
Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phối hợp với nhau và tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình. Không chỉ thế, chúng tôi còn chuẩn bị các kịch bản đối phó với những khả năng khác, chứ không riêng ở Nhật, để có các phương án đối với hàng nhập khẩu với các nước như thế nào, vì đã có động đất ở Myanmar và ở chính Hà Nội vào tối 24/3.
Còn thời gian kiểm tra xét nghiệm cũng không lâu, tôi được Cục trưởng Cục An toàn phóng xạ - bức xạ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết kết quả xét nghiệm sẽ có rất nhanh chóng, trong thời gian hàng nhập vào kho chứa đưa ra ngoài tiêu thụ.
Chỉ khi có kết quả kiểm tra, mới được đưa hàng ra ngoài.