Còn thực tế, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị lại tìm mua thịt heo VietGap rất dễ dàng. Điều này dấy lên nỗi hoài nghi ở người tiêu dùng: Biết tin vào ai?
Nguồn cung hạn chế
Trao đổi vấn đề nghi ngờ có trộn heo VietGap tại 246 điểm bán hàng đã được Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh công bố hồi đầu tháng 12/2015, bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho rằng: "Tất cả các điểm đăng ký bán thịt heo sạch VietGap đã được Sở phát thông tin chính thức thì đều đạt chuẩn 100%. Tôi đã đi kiểm chứng và xác minh điều này nên không thể có chuyện DN hoặc điểm bán hàng làm ăn gian dối, pha trộn thịt heo thường với thịt heo VietGap. Hiện nay, Vissan đang phân phối thịt heo VietGap tại hệ thống Co.op và Satra, ba đơn vị này đều rất uy tín và là những thương hiệu lớn nên không thể có chuyện "treo đầu dê, bán thịt chó". “Đối với An Hạ, do đơn vị này chưa công bố số lượng cung ứng với Sở mà chỉ thông báo bốn điểm bán.
Tôi cũng chưa kiểm tra thịt heo của đơn vị này nên chưa thể trả lời có hay không số lượng 20 tấn thịt heo VietGap mà công ty này tiêu thụ mỗi ngày. Đây chỉ mới là số liệu do tự công ty công bố nên chưa có bằng chứng xác thực. Còn đối với Vissa, nếu người tiêu dùng cung cấp cụ thể siêu thị, cửa hàng nào mà Vissan đang phân phối không đúng thịt heo VietGap cho Sở Công Thương, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra ngay và yêu cầu đơn vị đó chịu trách nhiệm về sản phẩm, đồng thời sẽ thu hồi sản phẩm nếu phát hiện vi phạm” - bà Lê Ngọc Đào xác nhận và lý giải thêm, có thể không phải siêu thị nào thuộc Co.op cũng có thịt heo VietGap, đồng thời lượng tiêu thụ mỗi nơi cũng khác nhau nên không thể đánh đồng 222 điểm phân phối của Vissan là khoảng 180kg/ngày mỗi điểm. Tuy nhiên, khi chúng tôi phỏng vấn ông Văn Đức Mười qua điện thoại vào ngày 23/12, ông cho biết tất cả 222 điểm đều có bán 100% thịt heo VietGap, và ông cũng cam kết sẽ không xảy ra tình trạng cháy hàng, đứt hàng khi người tiêu dùng có nhu cầu cao. Ông Lê Hữu Trí – Phó phòng thú y cộng đồng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện tại, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai là hai đơn vị chăn nuôi và cung ứng heo VietGap nhiều nhất cả nước. Các địa phương khác cũng có nhưng số lượng không đáng kể. Hộ chăn nuôi heo VietGap chủ yếu nhỏ lẻ, chỉ từ 30 - 50 con/hộ. Hơn nữa, với 646 hộ VietGap đang ký hợp đồng với An Hạ cung ứng tối đa đến thời điểm này chỉ 15 con/ngày, số ít còn lại cung cấp cho Vissan thì lấy đâu ra nhiều heo VietGap để DN đưa ra thị trường hàng chục tấn mỗi ngày như họ nói".
Tham gia VietGap để cho… vui
Ông Lê Hữu Trí cũng đưa ra dẫn chứng là chỉ có TP Hồ Chí Minh là theo dõi quy trình chăn nuôi VietGap một cách chặt chẽ từng công đoạn từ lúc chăn nuôi, bắt heo và đưa đi giết mổ. Quá trình để được công nhận hộ đạt chuẩn VietGap rất nghiêm ngặt và tốn kém nên không phải hộ nào cũng đạt được. Đối với các tỉnh khác khi đưa heo về TP chỉ trưng ra tờ giấy chứng nhận đó là hộ Gap được địa phương nơi đó công nhận chứ không có chỉ do thú y kiểm chứng như tại TP Hồ Chí Minh. Khi heo đưa về TP, Chi cục thú y cũng chỉ khẳng định heo này được nuôi từ hộ VietGap chứ không thể biết heo đó có được chăn nuôi theo đúng chuẩn VietGap hay không. Cũng theo ông Trí, dự án nuôi heo VietGap chỉ được Nhà nước khuyến khích nông dân, DN tham gia tự nguyện chứ không bắt buộc. Vì vậy, cũng không có chế tài nào xử phạt khi đơn vị đó không làm đúng. Hiện nay, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh chỉ có thể kiểm tra đột xuất các đơn vị có gắn biển bán heo VietGap là Công ty Vissan và An Hạ, nếu phát hiện không đúng heo VietGap thì chỉ rút hàng, thu hồi sản phẩm.
Rõ ràng, nuôi heo VietGap chỉ là một sân chơi được xã hội hóa, ai thích thì tham gia, nếu có vi phạm thì rời cuộc chơi chứ không mất mát gì. Tuy nhiên, lòng tin của người tiêu dùng không phải là thứ đồ chơi mà rất dễ bị tổn thương nếu chất lượng sản phẩm không đúng như các "ông lớn" đã quảng bá.
Heo VietGap không nhiều, nhưng đơn vị nào cũng cho biết thời gian tới sẽ bán toàn bộ 100% heo VietGap từ cửa hàng ra chợ lẻ, hoặc mở thêm điểm bán tại các chợ, đưa vào khu dân cư, khu đô thị mới... với con số hàng trăm tấn. Kỳ vọng là điều đáng mừng nhưng đừng làm “mọi cách” để thực hiện cho bằng được kỳ vọng đó. Bởi người tiêu dùng bây giờ không chỉ biết tin một chiều mà luôn có sự kiểm chứng, thậm định chất lượng sản phẩm. Nếu nhà sản xuất đánh mất lòng tin từ người tiêu dùng, hậu quả sẽ là rất lớn.
Khách hàng tìm mua rau VietGap tại một siêu thị. Ảnh: Uyên Phương
|