Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm vẫn bị tư thương làm giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông nghiệp I vừa công bố kết quả khảo sát việc tiêu thụ sản phẩm thịt tại Hà Nội cho thấy, tiêu thụ sản phẩm thịt ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn so với đô thị.

Nghiên cứu đã khảo sát gần 300 hộ gia đình ở cả hai khu vực nội và ngoại thành, gồm các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên và các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Gia Lâm và Đông Anh, cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong tiêu thụ sản phẩm thịt giữa các nhóm hộ ở hai khu vực trên. Cụ thể, tiêu thụ sản phẩm động vật trung bình tại khu vực nội thành là 66,05 kg/người/năm và ở ngoại thành là 55,91 kg/người/năm. Tại khu vực nội thành, tỷ lệ thịt lợn chiếm 62% tổng số thịt tiêu thụ, thịt gia cầm chiếm 22% và thịt bò chiếm 16% trong khi ở ngoại thành con số này lần lượt là 75%, 19% và 6%. Việc tiêu thụ thịt đỏ và hải sản ở thành thị tăng 5,63kg/người/năm và ở ngoại thành tăng 2,96kg/người/năm.

TS Vũ Đình Tôn, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, việc tiếp cận các loại thịt bò, thịt gia cầm và hải sản của người dân khu vực ngoại thành gặp nhiều khó khăn hơn khu vực nội thành, chủ yếu do thu nhập hộ gia đình ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, khoảng 82% số hộ gia đình tại các khu vực ngoại thành có thu nhập chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, các thực phẩm tự sản xuất như thịt gà, rau, gạo vẫn đóng một vai trò quan trọng, chiếm từ 15% - 30% tổng chi phí thực phẩm của hộ gia đình.

Theo TS Vũ Đình Tôn, do mức sống của các hộ dân tại các khu vực ngoại thành thấp hơn so với khu vực nội thành, việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoặc thịt gia cầm chịu nhiều tác động của yếu tố giá cả. Nhất là sự biến động của giá bán lẻ do tư thương tự đẩy giá lên cao, khiến cho nông dân chịu thiệt. Chính vì vậy, việc hiện đại hóa chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm thịt động vật cho các vùng nông thôn ngoại thành hiện đang là một nhu cầu chính đáng để giúp người dân khu vực này tiếp cận với nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng với giá thành ổn định. Qua đó thu hẹp khoảng cách hai khu vực này. Về lâu dài, cần hỗ trợ và trang bị cho nông dân có đủ kiến thức để sản xuất lớn, có hiệu quả và nâng cao thu nhập.