Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chuẩn bị tốt và duy trì được phong độ, các VĐV Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế.
Những tín hiệu vui
Những ngày qua, TTVN đón nhận khá nhiều tin vui từ các niềm hy vọng huy chương. Đầu tiên là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh phá kỷ lục và giành HCV tại Cúp bắn súng thế giới diễn ra tại Mỹ mới đây. Tiếp đó, kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên cũng giành 3 tấm HCV cùng danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải trẻ toàn nước Mỹ.
Ai cũng biết, Xuân Vinh và Ánh Viên là những niềm hy vọng lớn nhất của TTVN trong hành trình hội nhập đấu trường đỉnh cao. Họ là hai trong số không nhiều VĐV của Việt Nam tiếp cận với nhóm có thể giành huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới. Hiện Xuân Vinh nhận được sự đầu tư lớn từ ngành thể thao để tham gia các giải đấu quốc tế nhằm chuẩn bị cho ASIAD. Trong khi đó, sự tiến bộ về chuyên môn của Ánh Viên trong chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ giúp cho hy vọng giành huy chương ở sân chơi ASIAD ngày càng được củng cố.
Hoàng Xuân Vinh (giữa) trở thành người thứ hai trong lịch sử thể thao Việt Nam phá kỷ lục thế giới. Ảnh: An An
|
Bên cạnh đó, các đội tuyển điền kinh, quyền anh, cử tạ, taekwondo, karatedo, judo… cũng được cử đi nước ngoài tập huấn từ ngắn hạn đến dài hạn. Ngành thể thao cũng không tiếc tiền trong việc thuê các chuyên gia giỏi dẫn dắt VĐV hàng đầu thuộc những môn được ví là “mỏ vàng” như taekwondo, karatedo.
Người ta tin rằng, bằng những kế hoạch đầy tham vọng cùng sự đầu tư lớn TTVN sẽ có được sự bùng nổ về số huy chương tại ASIAD sắp tới.
Cẩn tắc vô áy náy
Khi ngành thể thao sôi lên vì những chiến thắng trước thềm sân chơi chính, nhiều người lại cảm thấy lo. Đơn giản bởi, nhiều lần cử các VĐV Việt Nam đã phải trả giá đắt vì niềm hưng phấn bỗng chốc biến thành áp lực về chuyên môn ở đấu trường chính thức. Có tình trạng, các VĐV Việt Nam thường đi đấu rất hay ở giải đấu thử nghiệm nhưng khi bước vào sân chơi chính, họ đã để áp lực thành tích đánh gục. Nhiều người còn không vượt qua chính mình, có thành tích kém hơn cả khi thi đấu trong nước như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn hay tay vợt Nguyễn Tiến Minh.
Còn một thực tế khác mà nếu không tỉnh táo, TTVN sẽ mắc “bẫy tâm lý”. Ở nhiều giải đấu trước thềm ASIAD, các đoàn thể thao thường có chiến thuật giấu bài. Các VĐV không bung hết sức và nhường đất diễn cho đối thủ. Điều này thường diễn ra ở các môn như cử tạ, bắn súng hay TDDC… Và nếu không tỉnh táo, các VĐV Việt Nam thường tự mãn về thành tích, không có nỗ lực trong tập luyện để rồi đánh mất cơ hội vàng đăng quang. Chưa hết, các nhà quản lý và chuyên môn của TTVN còn có hạn chế trong việc nắm thông tin về đối thủ. Điều này dẫn đến tình trạng, các HLV thường đưa ra đấu pháp sai khiến thất bại trong thi đấu.
Thế mới nói, rất mừng khi những Hoàng Xuân Vinh, Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh, Nguyễn Thị Ánh Viên… giành HCV ở các giải đấu lớn nhưng nên nhớ rằng, ASIAD là một đấu trường khác. Sự khắc nghiệt, tính cạnh tranh sẽ được đẩy lên thành cao trào khi quy tụ những VĐV hàng đầu châu lục, thậm chí là thế giới. Vậy nên, ngay từ lúc này, muốn mơ cao, các nhà quản lý của TTVN cần phải thực tế.