Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội.
Lần đầu tiên có một chiến lược dài hạn
Tại hội nghị trên, với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đã công bố Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quán triệt Chỉ thị 2196/CT - TTg ngày 6/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn và có nhiều nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Nhiều quan điểm và cách tiếp cận mới được Chính phủ thống nhất cao là "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân". Đây cũng là cơ sở để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người.
Cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả, trong thời gian tới, thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước sẽ được phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Trong Nghị định phát triển đô thị sắp trình Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất các quy hoạch phân khu phải chỉ rõ khu đất sẽ dành để xây dựng nhà ở xã hội và không được sử dụng vào mục đích khác.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước là các giải pháp khuyến khích huy động nhiều nguồn lực cùng đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo nhiều hướng như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức BT, PPP; ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở... khi làm nhà xã hội hoặc hình thức BOT… để tạo lập quỹ nhà để bán hoặc cho các đối tượng có nhu cầu mua - thuê - thuê mua.
Năm 2012 tiếp tục vượt khó
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ đã và đang rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Năm 2012, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn không ít rủi ro; kinh tế - xã hội trong nước có những thuận lợi và cơ hội nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi mục tiêu tổng quát vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tổng mức đầu tư toàn xã hội (còn 33,5% GDP), giảm đầu tư công, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý 6 - 6,5%. Nhận định về năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đối mặt với tình trạng cắt giảm đầu tư công, chắc chắn tới đây nguồn vốn cho phát triển công trình giảm, nguồn cung về vốn giảm, lãi suất tín dụng cao nên tới đây các doanh nghiệp ngành Xây dựng buộc phải đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 6/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản, ngành Xây dựng xác định sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị; thực hiện tái cơ cấu hàng hóa bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường... |