Một vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm trong tuần qua là bắt đầu từ ngày 1/6 các xe máy điện bắt buộc phải đăng ký theo Thông tư 15 của Bộ Công an.
Theo đó, kể từ ngày 1/6, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển số. Thực tế, trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực từ 1/7/2009) quy định xe máy điện là xe cơ giới và phải đăng ký, gắn biển số, chứ không phải đến ngày 1/6 Bộ Công an mới quy định phải đăng ký. Trong đó, chỉ bắt buộc xe máy điện phải đi đăng ký còn xe đạp điện không phải đăng ký gắn biển số vì là phương tiện thô sơ.
Từ ngày 1/6, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển số mới được lưu thông.
|
Về thủ tục đăng ký, đối với trường hợp người dân mua xe máy điện nhưng đã bị mất các giấy tờ, hoặc mua bán qua nhiều chủ trước ngày 1/7/2009, Bộ Công an có thể sẽ xem xét để cho người dân được đăng ký, nhưng phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Khi đi đăng ký, người dân mang theo Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu), Chứng minh nhân dân, chứng từ nguồn gốc của xe, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, hóa đơn bán xe, chứng từ nộp lệ phí trước bạ.
Quy định là thế tuy nhiên cho đến giờ, nhiều người dân còn rất mù mờ về những thông tin liên quan đến quy định này. Thậm chí, cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều người dân chưa phân biệt được xe máy điện và xe đạp điện.
Từ ngày 1/6, thành phố Hà Nội sẽ tổng sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố nhằm chỉnh trang các tuyến phố thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị 2014. Trước mắt, trong năm 2014, thành phố triển khai chỉnh trang đường dây đi nổi tại bốn tuyến phố tại khu vực nội thành và thu dọn đường dây thông tin. Riêng Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội dự kiến sẽ bó lại 120km đường dây hạ thế.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là 50% số dây treo của các đơn vị hiện không còn sử dụng nhưng bản thân các đơn vị viễn thông cũng không biết là dây nào còn dùng và dây nào không còn tác dụng, phổ biến là kéo luôn dây mới khi có sự cố mà không tiến hành sửa chữa.
UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa công bố đề án giãn dân phố cổ. Theo giai đoạn 1 của đề án, đến năm 2016 sẽ di dời hơn 1.500 hộ dân đang sinh sống trong khu vực phố cổ tới khu đô thị mới Việt Hưng.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, mục tiêu của đề án giãn dân phố cổ nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ hiện nay đang quá cao. Vì vậy, đề án xác định phải di chuyển khoảng hơn 6.500 hộ dân với khoảng hơn 26.000 người trong cả hai giai đoạn, đến năm 2020.
Về nhóm các hộ dân thuộc diện phải di dời trong giai đoạn 1, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn tất việc lập danh sách, thông tin tới người dân. Các hộ dân di dời trong giai đoạn 1 chủ yếu đang sinh sống chung với không gian của các di tích, đình, đền, chùa, các cơ quan trên địa bàn quận, trường học và các công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, các công trình nguy hiểm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các Sở phối hợp UBND các quận huyện Tây Hồ, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Mê Linh chỉ đạo xử lý, khắc phục đối với 9 dự án đầu tư chậm trên địa bàn thành phố. UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các đơn vị liên quan rà soát kết quả thực hiện chỉ đạo, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2014.