Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực trạng học sinh cử tuyển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/9, Bộ GD&DT tổ chức đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ HS người Kinh cao hơn quy định, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì không có người đồng bào dân tộc đã cử hoàn toàn người Kinh đi học. Nhiều dân tộc ít người trong nhiều năm không có HS cử tuyển như: Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơđu, Sila.

Hiện nay, chỉ tiêu đi học cử tuyển không đạt do việc phân bổ, giao và thực hiện còn chậm. Số tỉnh cử học sinh đi học cử tuyển cứ giảm dần và không ổn định. Năm 2012 chỉ có 29 tỉnh cử học sinh thụ hưởng chính sách cử tuyển, tuy nhiên nhiều tỉnh chỉ đạt trên 40% chỉ tiêu đăng kí.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau 6 năm (2007-2013) thực hiện chế độ cử tuyển, tổng số  học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805, đạt 88% so với tổng chỉ tiêu 14.602.  Trong đó, học sinh cử tuyển vào các trường ĐH chiếm 83.9 %, vào CĐ chiếm 16,1% học sinh và 2.000 học sinh vào 25 trường TCCN.  Các dân tộc thiểu số có con em đi học cử tuyển nhiều là dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Hmông chiếm 8,04 %.

Số học sinh, sinh viên cử tuyển học ĐH, CĐ đăng ký nhiều ở nhóm ngành y tế chiếm 25,96 %, sư phạm chiếm 23.03 %, kinh tế 16,82%, kỹ thuật 15,55. Đến  thời điểm hiện tại, có 852 em được bố trí việc làm chiếm 62,2% và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.

Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT đưa ra một số chủ trương: Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập từ các trường bán trú, trường THPT nhằm bồi dưỡng văn hoá, tiếng Việt, cho những học sinh  người dân tộc thiểu số, làm cơ sở tạo nguồn cử tuyển.

Bộ GD& ĐT phối hợp với UBND các tỉnh kiến nghị mở rộng vùng tuyển và nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương. Đặc biệt ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người. Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị với Chính phủ chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và qui hoạch đào tạo cán bộ dân tộc. Tiếp đó là phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cơ quan T.Ư với chính quyền các cấp ở địa phương để thực hiện quản lý tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng. Ở một số lĩnh vực đào tạo chỉ cần trình độ CĐ nhằm phù hợp với năng lực của học sinh và cử cán bộ theo hướng học bồi dưỡng nâng cao, học hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông, cử học sinh về các trường phù hợp.