Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực trạng Xe công tại Hà Nội: Vừa thiếu, vừa cũ

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe công vừa thiếu lại vừa cũ là thực tế đang diễn ra tại nhiều sở, ngành, quận, huyện, đơn vị Nhà nước trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Điều đáng nói, trong khi một số lượng lớn xe công trên cả nước thừa, gây lãng phí thì nhiều địa phương lại đang gặp khó khi mà khối lượng công việc tăng lên nhưng số xe được cấp lại quá ít. Vì thế, rà soát, tổng hợp lại các nhu cầu về xe công để điều chuyển, phân bổ phù hợp với tình hình thực tế là việc cần làm để không làm khó địa phương.

Nơi thừa, nơi thiếu

Theo Quyết định số 32/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND, UBND, các sở, ban, ngành và các tổ chức tương đương; Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; HĐND và UBND quận, huyện, thị xã, TP được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị. Tuy nhiên, hạn mức chung này đang khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính mới đây, đại diện nhiều địa phương cho rằng, mỗi một sở, ngành, đơn vị chỉ được trang bị tối đa 2 xe ô tô theo quy định là quá ít.
Nhiều xe công ở Hà Nội đã cũ nát. Ảnh: Thu Phương
Nhiều xe công ở Hà Nội đã cũ nát. Ảnh: Thu Phương
Đơn cử, tại Hà Nội hiện nay, xe công để phục vụ cho công việc vừa thiếu lại vừa cũ. Nhiều quận, huyện địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng… vẫn chỉ được trang bị tối đa 2 xe. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, sau khi hợp nhất, địa bàn Thủ đô rộng, khối lượng công việc lớn, các sở, ngành qua đó phải đi cơ sở nhiều để xử lý công việc nên nhiều lúc rất khó hoàn thành nhiệm vụ chỉ với 2 chiếc xe. Ngoài ra, tại nhiều sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Hà Nội, số lượng xe công cũ và xuống cấp khá lớn, khiến các chi phí bảo dưỡng, duy trì, sửa chữa… ngày càng tăng cao, gây lãng phí không cần thiết. “Cơ quan chúng tôi được trang bị 2 xe công, trong đó có một xe Toyota từ những năm 1990 - 1991. Xe cũ, tiêu hao nhiên liệu nhiều, hỏng hóc liên tục… Chi phí sữa chữa có khi còn nhiều hơn chi phí mua mới” - lãnh đạo một đơn vị cho biết. Với thực tế trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần có “cơ chế đặc thù” cho Hà Nội, nâng gấp đôi định mức xe công từ 2 lên 4 xe/đơn vị.

Thiếu xe công không chỉ là thực tế của riêng Hà Nội. Nhiều địa phương cũng “kêu trời” vì xe công không đáp ứng các nhu cầu công việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho biết, ở Quảng Nam, các phương tiện công cộng vốn hạn chế nên việc đi công tác, giải quyết công việc trong tỉnh đã khó lại càng khó hơn.

Trong khi đó, theo rà soát mới đây của Bộ Tài chính, cả nước vẫn thừa hơn 7.000 xe công. Xe công nơi thừa gây lãng phí, nơi có nhu cầu phục vụ công việc thì lại thiếu gây khó khăn. Vì thế, sau khi có báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để có kế hoạch xử lý. “Phương án có thể sẽ điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu những xe vẫn còn sử dụng tốt. Số còn lại sẽ thanh lý qua hình thức bán đấu giá” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết.

Tiến tới khoán xe công
Ý kiến đề xuất về tăng chỉ tiêu xe công của các đơn vị, bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp. Những gì hợp lý về chính sách sẽ nghiên cứu, tiếp thu, điều gì chưa hợp lý sẽ điều chỉnh lại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính

Vũ Thị Mai

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, TP đang tính toán về tiêu hao, chi phí sử dụng xe công để xem xét chọn thời điểm thích hợp đưa vào áp dụng thực hiện khoán xe công. Trước đó, tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Tài chính xem xét, báo cáo Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng cơ chế đặc thù xe phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Sở Tài chính cũng được yêu cầu rà soát, lập phương án so sánh tổng chi phí một đầu xe ô tô theo hình thức mua mới (tiền mua xe, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng dầu, lái xe...) và hình thức thuê xe, từ đó đề xuất phương án thí điểm thuê xe phục vụ công tác cho các sở, ngành, quận, huyện. Ngoài ra, UBND TP giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô khi đi công tác. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Mai Xuân Vinh - Chi cục Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Sở Tài chính đang tiến hành rà soát, tổng hợp số lượng, nhu cầu và tình trạng thực tế của việc sử dụng xe công tại các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn để trình UBND TP xem xét. Về chủ trương khoán xe công, Sở đang rà soát, so sánh chi phí để đề xuất phương án thí điểm thuê xe phục vụ công tác.