Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Có minh bạch mới hiệu quả

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu là bất khả kháng giúp có nguồn ngân sách (NS) nhưng số tiền thuế tăng thực sự được dùng như thế nào, chi vào đâu là quan trọng. Phải thật minh bạch, rõ ràng” - chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ) chia sẻ quan điểm với báo Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ)

Tăng là bất khả kháng

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng ngày 20/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít). Có thể hiểu lần quyết định này của UBTVQH là thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, về tổng thể, thu NS năm sau đều tăng hơn năm trước. Vấn đề là tốc độ tăng thu không theo kịp tốc độ tăng chi. Đợt tăng thuế BVMT đối với xăng dầu từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít đã giúp thu NS cải thiện đáng kể và điều tương tự sẽ diễn ra vào năm tới khi thuế BVMT lên 4.000 đồng/lít. Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm so với mức cũ. Chính phủ cho rằng việc tăng thuế BVMT sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, sức tiêu thụ nói chung và tăng trưởng kinh tế, do sẽ có nhiều loại thuế khác giảm xuống, như thuế nhập khẩu.

UBTVQH vẫn quyết định tăng thuế xăng dầu vì đánh giá việc này đáp ứng được việc tăng NS, không ảnh hưởng mạnh đến lạm phát. Còn về người dân, tôi nghĩ chẳng ai ủng hộ tăng thuế xăng dầu hay bất kỳ loại thuế nào. Tôi cho rằng, số tiền thuế tăng thực sự được chi dùng vào đâu mới là quan trọng. Tiền thu từ thuế BVMT đưa vào NS phải chi trở lại để BVMT, đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành.
 

Theo đánh giá tác động của Chính phủ, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời thường của người dân và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh DN? Quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4 - 5%. Theo đánh giá nếu điều chỉnh tăng mức thuế BVMT từ ngày 1/1/2019 sẽ tác động không lớn đến CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07 - 0,09%. Song, việc nâng mức thuế BVMT kịch khung đồng nghĩa với mức tăng 5% về giá xăng dầu. Do đó, nó sẽ gây ra những tác động nhất định.

Dù Chính phủ khẳng định, việc tăng thuế đối với xăng có thể không tác động lớn đến lạm phát, nhưng gây ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động dễ bị tổn thương trong xã hội, nói cách khác là đối tượng có thu nhập thấp. Đó là những người lao động cơ bản, tiểu thương, kinh doanh, người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, công nhân. Hơn nữa, xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân. Với những mặt hàng có tác động tới thị trường, Chính phủ nên có đánh giá tác động đầy đủ cả hiệu ứng xã hội sẽ bao quát, đầy đủ hơn.

Công khai, minh bạch

Chính phủ cho rằng, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn (Quỹ Bình ổn giá - BOG) để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.

- Việc vừa xả vừa trích quỹ rõ ràng không mang lại hiệu quả cao trong bình ổn giá xăng dầu. Nhiều năm trở lại đây, giới DN và chuyên gia đã nêu ý kiến trái chiều về Quỹ BOG. Báo cáo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015 - 2016 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ BOG. Nhiều ý kiến của DN cũng kiến nghị loại bỏ Quỹ BOG ra khỏi công thức giá bởi đi ngược với thị trường.

Vậy theo ông ngoài thuế BVMT xăng dầu, để đảm bảo NS Nhà nước, Bộ Tài chính cần giải bài toán cơ cấu lại nguồn thu thế nào?

- Thuế BVMT được chọn vì nguồn thu từ xăng dầu đang lớn nhất, lại dễ thu, nhưng ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng mà việc sử dụng nó cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, như than đá hay túi nylon chẳng hạn, song lại không bị đánh thuế cao như xăng dầu là chưa hợp lý.

Cơ cấu lại thu NS phải là bài toán tổng thể. Nếu nguồn thu giảm thì phải tìm cách thay thế từ thuế là chủ yếu, không có cách nào khác. Tìm nguồn thu mới, hiệu quả, công bằng, khả thi, theo thông lệ quốc tế và chống thất thu thuế một cách có hiệu quả. Nhưng trước hết, Bộ Tài chính và Chính phủ phải chứng tỏ là một tay hòm chìa khóa chi tiêu có trách nhiệm. Tỷ lệ chi thường xuyên cho bộ máy đang chiếm tỷ trọng quá cao trong chi NS. Ngay cả nguồn chi ít ỏi cho đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước phát hiện còn chi sai, chi không hợp lý, đồng nghĩa với lãng phí, thất thoát... Thâm hụt NS, nợ công tăng cao cũng từ đây và phải rà soát chi tiêu công.

Để đúng nghĩa là thuế để BVMT, cơ quan Nhà nước cần thực hiện và sử dụng nguồn thuế như thế nào? Có nên tăng theo lộ trình, chia giai đoạn, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng để giảm thiểu tác động?

- Tôi cho rằng, phương án giãn ra cũng là hợp lý, tránh thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch sắp tới. Nhưng vấn đề quan trọng là Bộ Tài chính cần báo cáo kết quả sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT được sử dụng hiệu quả ra sao. Phải thật minh bạch, rõ ràng. Tiền thuế BVMT phải chi lại cho hoạt động BVMT cụ thể thế nào để người dân thấy đúng và sòng phẳng là điều cần xem xét.

Ngoài ra, nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học); hạn chế cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, gây ra những khủng hoảng ô nhiễm môi trường; giám sát chặt chẽ các nhà máy, công ty kinh doanh để giảm thải, các tòa nhà cao tầng dùng lãng phí năng lượng. Cần coi trọng khâu giám sát để không xả thải...

Lạm phát diễn biến bất thường, với tình hình rất khó dự đoán như hiện nay của tỷ giá và chiến tranh thương mại, diễn biến giá dầu thế giới… nay khi tăng thuế BVMT, cơ quan quản lý cần làm gì để kiểm soát lạm phát?

- Nhà điều hành cần lưu ý đến giá lương thực thực phẩm vì đây là mặt hàng rất quan trọng, chiếm tới 1/3 giỏ hàng hóa tính CPI. Giá lương thực đã tăng 2,3% trong 8 tháng đầu năm, đảo ngược xu hướng giảm trong cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá đến hết năm, nhưng việc không tăng giá điện và một số dịch vụ công để kiềm giữ CPI trong năm nay có thể là một cú “nén giá”, từ đó có thể tạo hiệu ứng bật tăng với giá cả các mặt hàng này trong năm sau. Do đó đòi hỏi Chính phủ phải điều hành rất khéo léo, quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao... Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát. Đặc biệt cần mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (dựa trên mở rộng đầu tư và tín dụng, sử dụng lao động giản đơn giá rẻ, khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công xuất khẩu) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên trình độ công nghệ cao, năng suất lao động cao, nhân lực trình độ cao, kỹ năng quản trị hiện đại, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao).

Xin cảm ơn ông!

Tại buổi họp báo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng 26/9, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết ADB ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng thuế BVMT. Vì việc tăng thuế sẽ giúp Việt Nam củng cố tài khóa và giảm nợ công.Trong dài hạn, ADB khuyến nghị Việt Nam nên đi theo mô hình kinh tế không bị phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà nên tập trung tích lũy nguồn vốn con người và phát triển khoa học công nghệ.