Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế với nước ngọt có ga sẽ ảnh hưởng ngành sản xuất khác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với nước ngọt có ga không cồn.

Căn cứ tờ trình Chính phủ của Bộ Tài Chính về việc Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có mặt hàng nước ngọt có ga, không cồn (mục 12 của danh mục được đề nghị điều chỉnh bổ sung mức thuế 10%), nhiều cá nhân, tổ chức đã cho ý kiến về nội dung này.

 
Thuế với nước ngọt có ga sẽ ảnh hưởng ngành sản xuất khác - Ảnh 1
Thiếu cơ sở luận chứng

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐVN) đã ký văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính về việc không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đối với sản phẩm nước ngọt có ga.

Lý do được HHMĐVN đưa ra là mức tiêu thụ đường/đầu người của nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 15 kg/người/năm. Trong khi mức tiêu thụ cao trên thế giới lên tới 40 - 50kg/người/năm và bình quân thế giới là 23,70 kg/người/năm. Với dân số hơn 92 triệu người mà trong đó phần lớn là người nghèo, người có thu nhập thấp thì việc tiêu thụ đường của bộ phận này thấp hơn con số bình quân 15 kg/người/năm rất nhiều. Các sản phẩm có đường trong thực phẩm như bánh kẹo, sữa, nước ngọt… thì hầu hết dân nghèo Việt Nam chưa đủ khả năng mua để đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Ngoài ra, mức tiêu thụ của nước ngọt hiện nay khoảng 925 triệu lít/năm, ứng với lượng đường tiêu thụ khoảng 74.000 – 110.000 tấn đường/năm (chiếm tỉ lệ 5,48 – 8,15% trên tổng số đường tiêu thụ của nước ta hiện nay), thì lượng đường đã tiêu thụ cho sản xuất loại đồ uống này không lớn lắm.

Với những lý do này, “HHMĐVN đề nghị Bộ Tài Chính xem xét chưa đưa mặt hàng nước ngọt có ga vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% trong giai đoạn hiện nay” – đại diện HHMĐVN nhấn mạnh.

Về cách lựa chọn đối tượng chịu thuế, ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh, cho rằng: Sản phẩm nước ngọt có ga không phải là xa xỉ phẩm như xe du lịch, rượu mạnh, mỹ phẩm, dịch vụ chơi golf… dành cho người người có thu nhập cao. Đây là sản phẩm giải khát và đối tượng tiêu dùng là quảng đại quần chúng, từ thành thị tới nông thôn và phần lớn, là người có thu nhập thấp tiêu thụ.

Còn bác sĩ Mason Cobb, Chủ tịch Hội đồng Y tế và Sức khoẻ Amcham, cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi có sự không công bằng. “Nước ngọt không cồn có ga sẽ bị đánh thuế, trong khi nước ngọt không cồn không ga lại không bị đánh thuế”. Amcham cũng dẫn các kết luận nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của hai loại nước uống này và cho rằng, không nên phân biệt nước uống có ga và không có ga do CO2 không gây hại tới sức khỏe con người. “Bất cứ luật nào chỉ áp dụng riêng cho đồ uống có ga là thiếu cơ sở khoa học và những lo ngại về sức khoẻ này là phản khoa học” – Bác sĩ Mason Cobb nói.

Cùng chung ý kiến này, TS. Phan Hữu Thắng – cố vấn cao cấp của Công ty TNHH Tư vấn Kinh Doanh Hội Nhập Toàn Cầu, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho rằng, cần trao đổi làm rõ thêm, liệu nước ngọt có ga không cồn có phải là một loại hàng đặc biệt, xa xỉ hay không, khi đại đa số người lao động có thu nhập thấp sử dụng đại trà loại nước giải khát này?

Cũng theo ông Thắng, việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn sẽ như một bước lùi về chính sách thuế với viện dẫn "những người tiêu dùng nghèo nhất dành phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm và nước giải khát không cồn nhiều hơn các hộ gia đình giàu có" do đó, áp dụng một loại thuế đối với NNCGKC sẽ đặt một gánh nặng hơn cho người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn là với người tiêu dùng có thu nhập cao. Bởi thuế TTĐB là thuế gián thu, thực chất nộp bởi người tiêu dùng chứ không phải người bán hàng.

Cần cân nhắc lộ trình

Với mức thuế được đề nghị trong bản Dự thảo, bà Trương Thị Thu Hà – Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng, có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, nhất là từ 2010 đến nay mức thuế hợp lý đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội thông qua việc nộp thuế cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, cạnh tranh và hội nhập trong khu vực và thế giới, hạn chế nhập siêu.

Tuy nhiên, lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục trong thời gian ngắn, với mức thuế suất tăng cao sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp ngành Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, vị đại diện Vụ Công nghiệp cho rằng: cần xây dựng lộ trình và thuế suất trên cở sở khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng thuế TTĐB đối với “nước ngọt có ga không cồn” phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc tăng thuế cũng có thể góp phần vào lạm phát vì giá nước ngọt có ga không cồn tăng có thể làm giá các mặt hàng thực phẩm và đồ uống bán kèm tăng theo.

Đối với mục tiêu tăng thu ngân sách như dự thảo luật sửa đổi đưa ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khó đạt được mà ngược lại, thu ngân sách có thể bị giảm (do giảm trừ từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…).

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì nếu giá nước ngọt tăng 1% thì lượng cầu sẽ giảm 2,8%. Nếu áp dụng thu 10% thuế TTĐB trên nước ngọt có ga không cồn có thể làm nguồn thu ngân sách giảm 186,4 tỷ đồng.