Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thùng thuốc súng " Trung - Nhật" thật đáng sợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông dường như đang tiến triển ngày càng nguy hiểm và chỉ cần một lỗi ngu xuẩn cũng có thể châm ngòi cho chiến tranh - tạp chí Chính trị Mỹ cảnh báo. Trong khi cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn thì tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc đang chuyển tên lửa tới sát bờ biển phía nam gần quần đảo Senkaku/ Điếu

Cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một “thùng thuốc súng” đáng sợ. Đó là nhận định được cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – ông Kurt Campbell đưa ra cuối tháng qua (ngày 25/2). Theo giới phân tích, do ngày càng lo sợ sự can dự của Mỹ, Trung Quốc gần đây có những hành động đẩy cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật tiến gần đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
 
Tháng trước, một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc bị Nhật cáo buộc đã khóa radar nhắm bắn một trực thăng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật. Một tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ biển Nhật cũng bị một tàu chiến của Trung Quốc “khóa radar” tương tự. Sau khi khóa radar vào một mục tiêu, hành động duy nhất còn lại là ấn nút bắn. Đây là hành động rất khác thường và một sai sót rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc làm này được coi là một hành động thù địch trong quân sự. Giới quan sát quốc tế lo ngại, tranh chấp có thể dẫn đến một sự đối đầu quân sự quy mô nhỏ, nhưng có thể bùng lên thành một cuộc xung đột lớn.
 
Thùng thuốc súng " Trung - Nhật" thật đáng sợ - Ảnh 1
Trang The Washington Free Bacon cho biết, tình báo Mỹ vừa phát hiện Trung Quốc di chuyển tên lửa đạn đạo tới sát bờ biển phía nam gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, động thái này đang được theo dõi chặt chẽ, bởi Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận lớn gây lo ngại sẽ châm ngòi cuộc xung đột với Nhật và kéo theo Mỹ.
Các nguồn tin của trang The Washington Free Bacon không cung cấp những thông tin chi tiết về các hoạt động tên lửa của phía Trung Quốc mà các hệ thống vệ tinh do thám, máy bay và tàu Mỹ đã dò tìm được. Song theo trang tin trên, các quan chức tình báo của Mỹ đã xác nhận những hoạt động tên lửa ở gần các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, sau khi một số phương tiện truyền thông Trung Quốc thông tin về việc này.
Trước đó, tờ Oriental Daily News xuất bản tại Hồng Kông dẫn nguồn tin quân sự tiết lộ trong số tên lửa được triển khai, có DF-16 với tầm bắn 1.200km và được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tờ báo này cho hay, quân đoàn pháo binh 2 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã chuẩn bị nhắm mục tiêu đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư cũng như căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Okinawa.
Tờ Daily News nhận định, việc di chuyển tên lửa là dấu hiệu cho thấy PLA đang "chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư". Tờ báo cũng cho biết thêm loại tên lửa DF-16 được trang bị nhiều đầu đạn, có khả năng đánh bại cụm tên lửa Patriot của phía Mỹ đang được triển khai trên những căn cứ quân sự Mỹ và Nhật Bản trong khu vực.
Những diễn biến trên được phát hiện sau khi khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe thăm Mỹ. Mặc dù không nhắc đến vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong hoàn cảnh công khai, nhưng trong cuộc hội đàm kín với ông Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc thảo luận dài với ông Shinzo Abe về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, và Shinzo Abe được cho là rất hài lòng vì đã được nghe những ý kiến mà ông này chờ đợi từ bấy lâu.
 
Theo tiến sĩ Michael J.Green - nguyên giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng, hiện là chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ và Trung tâm nghiên cứu quốc tế, tiết lộ rằng hai bên đã không công khai bày tỏ bất cứ quan điểm gì xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong cuộc gặp gỡ với báo chí. Trong vấn đề này, ông Obama xử lý rất khéo. Xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, đã từ lâu, ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang ngầm có các cuộc đấu trí gay gắt. Trung Quốc và Nhật Bản là nước đương sự, còn Mỹ xen vào giữa là vì quốc gia này có những mối liên hệ lịch sử và hiện thực không thể gỡ bỏ. Trung Quốc và Nhật Bản vừa tìm mọi bằng chứng và lý lẽ để chứng tỏ Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền sở hữu của mình, đồng thời yêu cầu Mỹ nghiêm túc giữ lập trường trung lập. Nhật Bản dựa vào quan hệ đồng minh với Mỹ, tìm mọi cách để kéo Mỹ làm hậu thuẫn cho mình. Bên ngoài, Mỹ tỏ rõ lập trường trung lập, nhưng bên trong, quốc gia này đã lựa chọn đứng về phía Nhật Bản từ lâu, thường xuyên dùng ngôn luận để nhằm vào Trung Quốc. Hay nói cách khác, trong quá trình xem xét về lợi ích chiến lược do vấn đề Điếu Ngư/SenKaku tạo ra, Mỹ vẫn coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản hơn. Bởi vậy, lần này ông Obama không công khai bày tỏ quan điểm về vấn đề Điếu Ngư/ Senkaku là do xuất phát từ chiến lược ngoại giao. Dù Mỹ đã chọn đứng về phía Nhật Bản từ lâu, nhưng trong bàn cờ ngoại giao toàn cầu của Mỹ, những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Á không phải là vấn đề bức thiết liên quan đến lợi ích then chốt của Mỹ.
 
Trong chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ sau khi đã được điều chỉnh, Nhật Bản đứng ở vị trí đồng minh quan trọng, so với mối quan hệ với Trung Quốc, sự thân sơ này đã quá rõ ràng. Nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách khôn khéo không để mất lòng hai bên, “ bịt trước che sau”, cố gắng duy trì cuộc tranh chấp biển đảo này trong phạm vi mà Mỹ có thể kiểm soát. Quan trọng ở chỗ, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku sẽ giúp Mỹ được hưởng lợi “ toạ sơn quan hổ đấu”, mà về mặt khách quan Mỹ có thể nhân cơ hội này kìm hãm Trung Quốc. Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ can thiệp vào một cuộc xung đột ở châu Á với vai trò đại diện cho Nhật Bản hoặc bất cứ đồng minh nào khác trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này xem chừng quá lạc quan. Sự can dự của Mỹ là một khả năng hiển hiện. Mỹ hoàn toàn có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, một khi nguy cơ xung đột tăng cao.
 
Việc này gần giống như quan điểm của Mỹ ở Biển Đông. Khi giới chức Mỹ được yêu cầu bình luận về các cuộc tranh chấp biển đảo ở tây Thái Bình Dương, họ đồng loạt khẳng định chính quyền Obama không đứng về bên nào nhưng phản đối mọi hành động dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Tới nay, với sự can dự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan dần chấm dứt, Tổng thống Obama bắt đầu bắt tay giải bài toán suy giảm vị trí quyền lực của Mỹ ở khu vực Đông Á. Nhận thức châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm mới thúc đẩy kinh tế toàn cầu, Obama đã vạch ra kế hoạch phục hồi sự thống trị về quân sự của Mỹ ở đây. Vì vậy, mặc dù tiếp tục tự xưng là trung lập, giới chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ bất bình trước những hành động hiếu chiến của bên tuyên bố chủ quyền nhất định, không được nêu tên, mà có thể hiểu ngay ra Trung Quốc. Thực tế, Mỹ khó có thể được xem là đối tác trung lập, vô tư. Đối với các đồng minh, những nước gần đây tỏ ra quyết đoán hơn trong cuộc tranh chấp biển đảo, Mỹ sẽ lại là nguồn cứu cánh tinh thần, nguồn hỗ trợ quân sự, nếu có điều gì đó vượt ra ngoài vòng kiểm soát.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay đã triển khai máy bay chiến đấu ngăn chặn một phi cơ của Trung Quốc bay về phía quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư. Theo cơ quan trên, chiếc máy bay Y-12 của Trung Quốc chưa đi vào không phận xung quanh quần đảo. Sau khi các máy bay quân sự của Nhật Bản xuất kích, chiếc Y-12 đã quay đầu bay về phía Trung Quốc.
Cùng ngày, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản lại phát hiện được ba chiếc tàu hải giám của phía Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải cách hòn đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư khoảng 12 hải lý.