Hoạt động giám sát đặc biệt này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, mà còn là “thước đo” giúp người được lấy phiếu thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, để khắc phục những hạn chế.
Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Danh sách 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này đã được Quốc hội thông qua, được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng tại các đoàn. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "lấy phiếu tín nhiệm là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở". Qua hai đợt lấy phiếu tín nhiệm trước có thể thấy, hiệu quả từ hoạt động này là rất rõ. Những lá phiếu như lời nhắc nhở, thậm chí là răn đe để các bộ trưởng, trưởng ngành cần hành động quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến thực sự. Thực tế có những vị trí kỳ lấy tín nhiệm năm 2013 thấp thì đến kỳ năm 2014 đã cao hơn. Sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, lĩnh vực đó cũng được xã hội nhìn nhận. Điều đó có nghĩa rằng, không phải đánh giá cho có, mà người được đánh giá đã thực sự tự soi lại mình để làm tốt hơn chức trách được giao.Và lần này cũng vậy, mỗi lá phiếu tiếp tục chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri trao gửi cho đại biểu. Kết quả của mỗi lá phiếu ấy cũng có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; sẽ là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Bởi thế, tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm là vấn đề luôn được nhấn mạnh thời điểm này.Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này các đại biểu đã được tiếp cận sớm với các thông tin tự đánh giá của mỗi chức danh được lấy phiếu về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… Để qua đó, tiếp nhận những thông tin cơ bản. Nhưng đó không phải là kênh duy nhất. Với trách nhiệm của mình, chắc chắn mỗi đại biểu đều có những kênh thông tin khác để có sự đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, từ những thông tin rất đa dạng ấy, mỗi đại biểu cũng cần những cái nhìn thấu đáo, nhiều chiều, không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nào khi đánh giá, để cơ chế giám sát tiên tiến này thực sự tạo hiệu quả, phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. Cử tri luôn tin tưởng rằng, với kinh nghiệm đã có, cùng với nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của Quốc hội, giám sát của cử tri, các đại biểu sẽ thể hiện bản lĩnh và sự công tâm, sáng suốt. Và hiệu quả sau "thước đo" đặc biệt này sẽ được thể hiện rõ nét trong đời sống.