Thương chiến Mỹ - Trung giảm nhiệt, chứng khoán Mỹ lấy lại sắc xanh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhảy vọt trong phiên giao dịch ngày 26/8 sau khi Tổng thống Donald Trump nói Trung Quốc “muốn đạt một thỏa thuận thương mại” với Mỹ.

Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên này nhờ nhà đầu tư nhận được tín hiệu lạc quan đối với thương mại toàn cầu sau khi lao dốc mạnh trong phiên trước đó do căng thẳng Mỹ - Trung bất ngờ leo thang trở lại.
Trong phiên giao dịch ngày 26/8, tâm lý nhà đầu tư bớt hoang mang hơn sau khi Tổng thống Donald Trump dự báo về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
 Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên giao dịch ngày 26/8 nhờ căng thẳng thương mại Mỹ  - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Biarritz, Pháp, Tổng thống Trump nói ông tin rằng Trung Quốc đang thực sự muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông cho rằng Trung Quốc khó có lựa chọn nào khác bởi Bắc Kinh đang đối mặt sức ép kinh tế ngày càng lớn và tình trạng mất việc làm.
Giá cổ phiếu của các công ty niêm yết có mức độ nhạy cảm cao với các gói thuế quan phản ứng tích cực với nhận định của ông Trump. Apple leo dốc 1,9%, trở thành lực đẩy quan trọng nhất cho cả ba chỉ số chính.
Cổ phiếu con chip, vốn là những doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc về doanh thu, cũng đồng loạt tăngn điểm. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index tăng gần 0,9% sau phiên giảm sâu hơn 4% trong ngày 23/8.
Tuy nhiên, các nhà  giao dịch nhấn mạnh rằng phiên phục hồi này chưa bù đắp được đà giảm sâu của Phố Wall trong tuần trước, và dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những phiên tới.
Ông Peter Kenny - nhà sáng lập của Kenny’s Commentary LLC, nhận xét: "Với diễn biến ngày hôm nay, thị trường đang nói với chúng ta một điều rất quan trọng. Các chỉ số tăng nhưng khối lượng giao dịch giảm mạnh".
"Phiên này không phải là một sự hồi phục lành mạnh, đây là một dấu hiệu cho thấy chứng khoán Mỹ vẫn đang nghiêng về xu thế mất điểm", ông Kenny lưu ý.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số đơn đặt hàng mới mà các nhà sản xuất hàng hóa lâu bền của Mỹ nhận được chỉ tăng nhẹ trong tháng 7, trong khi doanh số các mặt hàng này giảm mạnh nhất trong gần 3 năm. Thống kê này có thể là một lý do nữa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất trong cuộc gặp vào tháng 9.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 1,05%, đạt 25.898,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 2.878,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,32%, đạt 7.853,74 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq chứng kiến phiên tăng điểm đầu tiên sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu và những tuyên bố không chắc chắn về tiến độ giảm lãi suất của FED đã đặt ra câu hỏi rằng liệu thời kỳ tăng trưởng này của Mỹ sẽ kéo dài tới đâu. Chỉ số S&P 500 hiện đã giảm hơn 5% kể từ mức cao kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 7.
Mặc dù các chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày 26/8, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong sắc xanh, song chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi ở Phố Wall - vẫn có thời điểm trong phiên đạt mức cao nhất hơn 1 tuần.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,66 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,74 lần.
Có tổng cộng 5,71 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,57 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần