Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử tại Việt Nam: Có tiền "tấn" vẫn "chết"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không giống như nhiều loại hình kinh doanh khác, với thương mại điện tử, nhiều tiền không đồng nghĩa với thành công.

2015 có thể nói là quãng thời gian "đen tối" với thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Hàng loạt các dự án TMĐT được đầu tư lớn đã đóng cửa cũng như đổi chủ, trong khi số còn lại đa phần là hoạt động cầm chừng để chờ thời.

Nếu như trong những tháng đầu năm 2015, Vật Giá đã âm thầm đóng cửa cucre.vn thì tới những tháng cuối năm beyeu.com của IDG Ventures Vietnam cũng đã từ giã cuộc chơi và mới đây nhất là deca.vn của 24h tuyên bố ngừng hoạt động trong đúng ngày cuối cùng của năm. Cũng trong quãng thời gian này Foodpanda.vn, website TMĐT kinh doanh dịch vụ đặt thức ăn online cũng đã bị thâu tóm bởi một DN khác hoạt động cùng ngành.
Deca.vn là website TMĐT mới nhất phải đóng cửa
Deca.vn là website TMĐT mới nhất phải đóng cửa
Có một điểm chung dễ nhận thấy ở các dự án TMĐT như cucre.vn, beyeu.com hay deca.vn là họ không hề thiếu tiền, thậm chí là có rất nhiều tiền khi đơn vị đầu tư Vật Giá hay 24h đều là những cái tên nổi bật trên thị trường trực tuyến Việt Nam và có nguồn tài chính cực kỳ mạnh mẽ. Đa phần ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, những sự rút lui trên đều bắt nguồn từ việc chủ đầu tư không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi tới thời điểm các dự án TMĐT sinh lời.

Điều này đã được thể hiện rõ qua thông điệp mà beyeu.com để lại khi đóng cửa dịch vụ của mình: TMĐT cần rất nhiều tiền, nhiều công ty quyết định sẽ không tiếp tục đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người vẫn tiếp tục cố gắng. Hay như ông Phan Minh Tâm, người sáng lập ra deca.vn cũng khẳng định: Nguồn tài chính của 24h vẫn rất dồi dào, quyết định đóng cửa deca.vn là do chúng tôi không muốn theo đuổi lĩnh vực này nữa.

Trước thời điểm ngừng hoạt động, deca.vn đang có được 1.000 đơn hàng/ngày, đây là con số khá tốt cho bất cứ dự án TMĐT nào tuy nhiên để trang trải những chi phí như bù lỗ, tiếp thị, vận chuyển ... thì còn rất lâu nữa mô hình này mới có thể hòa vốn. Đây cũng được nhìn nhận là nguyên nhân gây ra nhiều cái "chết" của các website TMĐT tại Việt Nam khi phải tốn quá nhiều chi phí vào các dịch vụ liên quan trong khi nguồn thu thì luôn ở mức âm.

Bên cạnh đó, các website TMĐT đã thất bại thường tập trung chính vào chiến lược giá rẻ để lôi kéo khách hàng. Tiêu biểu như deca.vn, với những mức giảm giá từ 10% - 40% cho các sản phẩm của mình đã giúp trang TMĐT này lôi kéo được một lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, để đổi lại, deca.vn đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để bù đắp số % khuyến mại trên.

Ông Tuấn Anh, một chuyên gia từng hoạt động lâu năm trong lĩnh vực TMĐT nhận định, những website chạy theo xu hướng dùng vốn để bù đắp các khoản chi phí khác, đặc biệt là bù lỗ sản phẩm đều rất rủi ro, kể cả cứ liên tục bơm tiền nhưng bơm mãi mà không thành công thì chắc chắn phải dừng. Cần một lộ trình rõ ràng và bền vững, để thành công trong TMĐT, chỉ tiền thôi là chưa đủ.

Cùng quan điểm, Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối TMĐT của VC Corp cho rằng, việc một DN đóng cửa do không đạt được mục tiêu đề ra, trong khi tài chính vẫn tốt là điều không quá ngạc nhiên trong lĩnh vực này. Yếu tố chính để tồn tại trên thị trường TMĐT là cần nắm bắt cơ hội, thích nghi với môi trường cũng như biết chờ đợi.

Để hòa vốn và có lời, DN TMĐT cần tối thiểu 5 năm đầu tư và chịu lỗ, chỉ đến khi người tiêu dùng thực sự coi TMĐT là một trong những kênh mua sắm chính, tới lúc đó hoạt động mới có hiệu quả, ông Tuấn chia sẻ.

Nhận định trên có thể thấy rõ qua trường hợp của Rocket Internet (Đức) với các website TMĐT Lazada và Zalora đang hoạt động ở Việt Nam. Tính tới hiện tại, 2 website trên đang được bù lỗ tới hàng chục triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động. Đáng chú ý, với mô hình tương tự, Rocket Internet lại đang khá thành công tại nhiều quốc gia khác và Việt Nam được coi là thị trường khó nhằn với hãng đầu tư này.

Về tình hình TMĐT năm 2016, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng sẽ tiếp tục có các dự án TMĐT phải ngừng hoạt động, cùng với đó thị trường ngách ở các khu vực nông thôn sẽ được tập trung phát triển. Đặc biệt chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố chính để cạnh tranh thay vì hạ giá thành sản phẩm như những năm trước.
Trong năm 2014, tổng doanh thu trên sàn TMĐT đạt 1.662 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu của 10 sàn giao dịch TMĐT dẫn đầu như lazada, sendo, zalora ... chiếm đến 75%.