Sở đã yêu cầu trước ngày 25/12, các doanh nghiệp phải có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, những ghi nhận bước đầu cho thấy thưởng Tết năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái.
Thách thức lớn
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, đây là thời điểm mà nhiều khoản chi tiêu của người lao động "lên lịch" chờ tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thở dài cho biết, giữ được mức thưởng Tết năm nay bằng năm ngoái là một thách thức lớn, bởi kinh tế khó khăn, lợi nhuận giảm sút...
Dù chưa báo cáo chính thức với Sở LĐTB&XH về mức lương, thưởng Tết, nhưng nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chi thưởng trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban quản lý KCN, KCX Hà Nội, hiện tại nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lao động, nợ lương công nhân. Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất do gặp khó khăn trong tiêu thụ đã trả lương, thưởng cho công nhân bằng sản phẩm như quần áo, bánh kẹo, bóng đèn... Có lẽ năm nay, nhiều doanh nghiệp không có thưởng.
Ông Vũ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đồng Tâm cho biết, năm nay, hầy hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, điều này ảnh hưởng đáng kể đến việc xét thưởng cho người lao động. Nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi hoặc hòa vốn, họ có thể tính đến các tháng lương thứ 13, 14... Còn nếu kinh doanh không hiệu quả, thậm chí lỗ thì họ cũng không thể đi vay ngân hàng để thưởng Tết cho nhân viên được. Những năm trước, Đồng Tâm dành một lượng quỹ nhất định để thưởng 1 đến 3 tháng lương cho nhân viên dịp cuối năm, tùy theo mức độ đóng góp của từng người. Tuy nhiên, năm nay, kết quả kinh doanh không như mong muốn nên chúng tôi phải xem xét kỹ vấn đề này.
Không để nợ lương, thưởng Tết
Khó khăn là tình hình chung các doanh nghiệp. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, từ đầu năm đến nay, có khoảng 50.000 - 60.000 doanh nghiệp công bố phá sản nên số lao động thất nghiệp tăng cao. Thống kê từ Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 11/2011, đã có 14.000 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. So với năm ngoái, con số này tăng gấp 4 lần. Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đây là một trong những hệ quả của việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về thưởng Tết, nhưng Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân khẳng định, bên cạnh việc đốc thúc các doanh nghiệp sớm báo cáo kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, Bộ cũng yêu cầu các Sở giám sát chặt tránh để tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động. Ông Huân cũng cho rằng, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là những doanh nghiệp ít công nhân nên số tiền thưởng Tết không phải là gánh nặng đối với họ. Ngoài ra, lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở 75% thị trường phi chính thức, thay đổi công việc thường xuyên nên số công nhân có công việc ổn định tại 25% thị trường chính thức sẽ không làm khó khăn cho các chủ doanh nghiệp.
Năm 2011, tại Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất là gần 73 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng. Những người nhận thưởng Tết cao đều công tác tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ngày 19/12, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, LĐLĐ TP vừa có quyết định trích Quỹ Xã hội Công đoàn thành phố 295 triệu đồng để trợ cấp đặc biệt cho 500 CNVCLĐ khó khăn, mỗi người 500.000 đồng; tặng quà cho 6 CNVCLĐ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất mỗi người 1,5 triệu đồng; tặng quà 6 tập thể trực tiếp tham gia đưa đón công nhân nghèo về quê đón Tết và duy trì sản xuất phục vụ nhân dân trong dịp Tết, mỗi tập thể 6 triệu đồng. |