Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường Tín phát huy thế mạnh đất trăm nghề

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những địa phương được mệnh danh vùng đất trăm nghề của Hà Nội, huyện Thường Tín đã và đang phát huy tốt thế mạnh sẵn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.

Giải quyết nhiều việc làm
Nhắc đến làng nghề truyền thống của Thường Tín, không thể không "điểm danh" làng nghề gỗ xã Vạn Điểm. Là người có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm chia sẻ, với diện tích nhà xưởng 5.000m2, mỗi năm gia đình ông sản xuất hàng nghìn sản phẩm đồ gỗ, xuất đi khắp các tỉnh, TP trong cả nước, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Xưởng mộc của gia đình ông còn tạo việc làm cho 40 lao động tại chỗ và hàng trăm lao động vệ tinh với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Theo thống kê của UBND xã Vạn Điểm, hiện trên địa bàn có khoảng 2.000 hộ dân, trong đó có 70% số hộ làm nghề mộc, đóng góp thu nhập chính cho toàn xã.
 Làng nghề thêu Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh:  Bá Hoạt 
Nếu như xã Vạn Điểm nổi tiếng về nghề mộc thì xã Vân Tảo lại có thế mạnh về trồng cây cảnh. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Bùi Công Thản: Toàn xã có hơn 100 hộ chuyên trồng cây cảnh, cây bon sai, cây đào cảnh… mỗi năm cung ứng hơn 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh cho thị trường Tết, giá trị thu lợi khoảng 70 triệu đồng/sào. Không chỉ có vậy, nghề trồng cây cảnh còn kéo theo một số dịch vụ khác phát triển như: Sản xuất chậu hoa, buôn bán hoa, cắt tỉa, chăm sóc cây… Hàng năm, làng nghề tạo việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh các nghề này, Thường Tín còn nổi tiếng với nghề thêu tồn tại hàng trăm năm qua. Đến cơ sở thêu ren Thành Công của ông Lưu Văn Sở, thôn Lưu Xá, xã Quất Động vào những ngày này có thể bắt gặp không khí rộn ràng tại các xưởng thêu. Những sản phẩm tại cơ sở sản xuất của ông như gối, túi, tranh thêu… chủ yếu bán cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
Quan tâm đến làng nghề
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng chia sẻ: Để giữ nghề truyền thống, Thường Tín xây dựng một số điểm công nghiệp (ĐCN) làng nghề như: ĐCN Vạn Điểm rộng 7,2ha, ĐCN Duyên Thái rộng 12,6ha, ĐCN Ninh Sở rộng 5,1ha, ĐCN Tiền Phong rộng 8,6ha và đang xây dựng ĐCN Văn Tự rộng hơn 7ha.
Đồng thời, hàng năm mở các lớp nghề nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ do giảng viên trường mỹ thuật, nghệ nhân, thợ bậc cao giảng dạy. Không chỉ vậy, UBND huyện còn phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho DN tại làng nghề vay vốn phát triển sản xuất, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giữ được nghề truyền thống.
Phấn khởi nói về làng nghề của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện có 126 làng có nghề, trong đó 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Tiện gỗ Nhị Khê, sơn mài Duyên Thái, thêu tay Quất Động…
Trong nhiều năm qua, phát triển làng nghề truyền thống ở Thường Tín gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động. Để làng nghề phát triển, cùng với tăng cường công tác quản lý hoạt động trong cụm công nghiệp, năm 2018, Thường Tín xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 03-NQ/HU về phát triển nghề thủ công truyền thống, xây dựng thương hiệu làng nghề.