Thường trực Thành ủy Hà Nội giao ban với các đơn vị về 3 nội dung

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Chiều 28/6, Thường trực Thành uỷ - HĐND – UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý II/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.

Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy với tổng số 583 điểm cầu và hơn 9.805 đại biểu từ TP xuống các phường, xã, thị trấn.

Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường năm 2024; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP; kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền đất trên địa bàn TP Hà Nội, những vướng mắc, khó khăn và giải pháp tháo gỡ.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.

Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Báo cáo về công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn TP, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Xuân Đại cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 có thể diễn biến phức tạp khó lường. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thiện việc kiện toàn bộ máy chỉ huy, chỉ đạo và Ban Chỉ huy PCTT & TKCN. 579/579 xã phường thị trấn đã thực hiện kiện toàn tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với sự tham gia của trên 60.000 người; nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; có sự tham gia của lực lượng khác như: Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tổng quân số hiệp đồng 10.732 đồng chí và 303 phương tiện các loại.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã sớm triển khai công tác chuẩn bị kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ". Từ đó xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án PCTT & TKCN năm 2024, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Xuân Đại trình bày báo cáo tại hội nghị.
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Xuân Đại trình bày báo cáo tại hội nghị.

So với cùng kỳ năm 2023 số vụ cháy tăng hơn 76%

Trình bày báo cáo kết quả công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2023 số vụ cháy tăng hơn 76%; tăng 15 người chết. Số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy.

Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm trên 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy 0,34% và các nguyên nhân khác. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cứu nạn, cứu hộ trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ chiếm trên 48% tổng số vụ cháy. Hơn 51% số vụ cháy còn lại do lực lượng tại chỗ dập tắt.

Theo thống kê, trên địa bàn TP có trên 400 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Thành phố có trên 5.100 trụ nước, vẫn còn thiếu trên 10 nghìn trụ nước, thiếu hơn 1.600 bể chứa nước chữa cháy, thiếu trên 800 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Để khắc phục tình trạng này, hiện UBND TP Hà Nội đang triển khai đầu tư trên 670 trụ nước chữa cháy và 31 hố thu nước chữa cháy trên địa bàn 7 quận nội thành, dự kiến thời gian hoàn thành năm 2025.

Đến nay, toàn TP đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.

Đại tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trình bày báo cáo tại hội nghị.
Đại tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trình bày báo cáo tại hội nghị.

Cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 86,28%

Trình bày  báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, đến nay, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất; trong đó có số thửa đất đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa (đạt 99,6%).

Đối với cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, đến nay đã cấp được 317.808 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 86,28%. Trong đó, từ 1/1 - 20/6/2024, đã cấp GCN cho 4.254 căn. Về cấp GCN cho người mua nhà tái định cư, đến nay đã cấp được 14.798/15.724 căn, đạt 94,11%. Cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.86, đạt 99,21%...

Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.

Đánh giá của Ban cán sự UBND TP Hà Nội cho thấy, công tác đăng ký, cấp GCN trên địa bàn TP đã có nhiều kết quả chuyển biến tích cực, rõ nét. Kết quả đạt được đã phản ánh sự quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, các ngành, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND TP và các ngành, sự cố gắng tích cực của các quận, huyện, thị xã và sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân trong thời gian qua.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết có 23 nghìn trạm biến áp trên toàn TP, đây là điểm cần phải quan tâm rà soát trước mùa mưa bão. Tổng công ty đã bố trí hơn 1.200 cán bộ để phòng chống thiên tai, 90 xe bán tải để phục vụ tìm kiếm cứu nạn; rà soát các điểm cấp điện quan trọng như trạm bơm thoát nước.

Về phòng chống cháy nổ, Tổng công ty lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để khắc phục các trường hợp chưa sử dụng điện an toàn; dừng cấp điện đối với các trường hợp vi phạm dùng điện an toàn, sử dụng sai mục đích…rà soát các trường hợp (nhà cho thuê trọ, chung cư mini) sử dụng điện có nguy cơ mất an toàn. Kết quả, có 128 cơ sở có hòm công tơ đặt trong tòa nhà; đã khắc phục 101 chung cư mini; đối với các trường hợp không đưa ra ngoài được thì có quây riêng khu vực và lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng cho biết Sở đã ban hành chỉ đạo thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra, thường xuyên thông tin về các thông tin về phòng chống thiên tai để kịp thời cảnh báo, xử lý các tình huống.

UBND quận Nam Từ Liêm cho biết quận vận động 100% khu nhà ở kết hợp kinh doanh trang bị các thiết bị chữa cháy, thực tập các phương án chữa cháy tại 216 tổ liên gia. Đồng thời, quận tổng rà soát các cơ sở, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…