Không trình dự án Luật chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc lập đề nghị chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, không đưa vào Chương trình các dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình, nhất là những dự án cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở các nguyên tắc này, Chính phủ đề nghị tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV xem xét thông qua 6 dự án Luật (gồm: dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Cảnh sát cơ động) và cho ý kiến 3 dự án Luật (gồm dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi)). Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua 3 dự án Luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2021, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2021 sẽ là 8 dự án, tăng 1 dự án so với Nghị quyết số 106/2020/QH14; chương trình cho ý kiến gồm 1 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình năm 2021, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nhóm chỉ tiêu, các chỉ tiêu thống kê để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hệ thống của Danh mục.
Về dự kiến Chương trình năm 2022, đối với các dự án đề nghị trong Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5/2022), Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo đảm tính "gối đầu" giữa các kỳ họp.
Chưa trình sửa Luật Đất đai
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi chưa thấy đề xuất sửa Luật Đất đai, trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022. “Thực tế địa phương nêu nhiều vướng mắc liên quan đến luật. Khi sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có cái đã sửa, nhưng có những vấn đề cốt lõi phải sửa trong Luật Đất đai” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc có kịp chuẩn bị trình sửa luật này hay không.
Nêu quan điểm chung về công tác lập pháp tới đây của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tinh thần lập pháp phải chủ động hơn, "vai trò của Quốc hội phải dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ chứ không phải cứ đến hẹn lại lên, anh nào trình được cái gì là làm cái đó". Cho rằng, đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 vẫn được làm theo kiểu "đến hẹn lại lên", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ hai nhiệm vụ hết sức quan trọng là: xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì chương trình làm luật của Quốc hội phải tính rất kỹ lưỡng luật nào cần ban hành mới, luật nào phải sửa đổi, bổ sung để thực hiện các yêu cầu này? Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật vì đây là vấn đề đã nói nhiều lần. Mỗi dự án luật phải đánh giá đầy đủ tác động. Không quay trở lại những hạn chế, khuyết điểm trước đây như thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, tuổi thọ ngắn… Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung ngay từ đầu để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, sửa đổi luật nào phải tính toán kỹ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận dứt khoát về vấn đề này, cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án nào không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trên tinh thần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm chuẩn bị các dự án luật gửi cơ quan thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Chính phủ và các cơ quan từ nay đến cuối năm không đề xuất bổ sung thêm dự án vào năm 2021 để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không xem xét các dự án không có trong chương trình.
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét giải trình làm rõ việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết cũng như được giao nhiệm vụ, đã có chương trình nhưng một số việc hiện nay đã quá hạn, ví như: Luật Đất đai, Luật khám chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế, để đảm bảo đồng bộ thực hiện chiến lược cải cách thuế.