Điều này khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về tính bền vững của ngành hàng XK chủ lực trong nông nghiệp này. Nhiều nước “tuýt còi” Đầu tháng 6, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) có Công thư phản hồi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia về trường hợp lô hàng cá điêu hồng của một DN ở phía Nam xuất vào thị trường nước này nhiễm kháng sinh Enrofloxacine. Đồng thời báo cáo kết quả khắc phục của hai DN có lô hàng tôm đông lạnh XK vào Australia bị cảnh báo nhiễm vi sinh vật và đề nghị nước này dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường. Trước đó, cuối tháng 5, Tổng vụ Sức khỏe và ATTP (Ủy ban châu Âu) có Công thư thông báo biện pháp kiểm soát lạm dụng hóa chất kháng sinh đối với thủy sản của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. EU thông báo sẽ loại các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam ra khỏi danh sách được phép XK vào thị trường này nếu có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm.
Cũng trong tháng 5, Cơ quan thanh tra và ATTP Mỹ (FSIS) có thông báo 2 lô hàng (thuộc Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Công ty CP Nam Sông Hậu) cá da trơn họ Siluriformes của Việt Nam không đảm bảo chất lượng bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm gồm Malachite Green, Enrofloxacine, Gentian Violet. Đối với DN bị cảnh báo, FSIS sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu vi phạm hoặc chỉ tiêu khác đối với từng lô hàng cá da trơn họ Siluriformes tiếp theo cho tới khi DN có biện pháp khắc phục được đánh giá là hiệu quả. Theo thống kê, số lô hàng thủy sản XK nhiễm vi sinh, kháng sinh cấm thời gian qua đã giảm hơn so với quý IV/2015. Tuy nhiên, riêng trong quý I/2016 vẫn có 31 lô hàng cá tra và tôm bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo, trong đó có khoảng một nửa bị cảnh báo về kháng sinh. Xử lý tận gốc
Hiện nay, thủy sản Việt Nam được XK sang 120 nước và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2015 giá trị XK thủy sản đạt 6,53 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2014. Bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vòng xoáy giảm giá của một số mặt hàng thủy sản XK ngoài bị tác động bởi yếu tố tỷ giá còn do chất lượng sản phẩm không ổn định. Theo nhận định của VASEP, XK thủy sản năm 2016 nhìn chung còn khó khăn nhưng dự báo sẽ khởi sắc hơn năm 2015 với kim ngạch ước đạt hơn 7 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng về khả năng cạnh tranh của thủy sản XK Việt Nam do liên tiếp bị cảnh báo kháng sinh cấm tại các thị trường nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đánh giá, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo nâng cao năng lực của công tác thú y thủy sản đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản bền vững và đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản, nhất là phục vụ XK đang tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, thách thức. Việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn, quy định dẫn đến tồn dư trong sản phẩm, gây mất ATTP, thậm chí một số thị trường XK quan trọng đã từng tạm dừng nhập khẩu thủy sản tại Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương rà soát, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và tập trung nguồn lực để phòng chống các loại dịch bệnh quan trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến XK thủy sản. Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và VASEP tháo gỡ khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến XK thủy sản. Đồng thời chủ trì phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y điều tra, truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm để làm căn cứ điều tra, xử lý vi phạm.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Huy Hùng |
Giá trị XK thủy sản 5 tháng đầu năm 2016 đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. |