Khi quyết định tiêm những chất không rõ nguồn gốc này vào cơ thể, ngoài những dị ứng như sưng, phù nề, viêm tấy, đau, nhức, thâm tím, chị em còn dễ bị hoại tử vùng tiêm và còn phải gánh chịu những hậu quả lâu dài khác.
Hoại tử vì silicon lỏng “nhái” chất làm đầy
Trong tháng 3/2014, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo, bơm chất làm căng da và xóa nếp nhăn vào vùng trán có thể gây tổn thương mắt. Tại Mỹ cũng đã có 3 trường hợp bị mù sau khi làm thủ thuật như vậy.
Do đó, FDA chỉ cho phép sử dụng những chất làm đầy này ở phần giữa của mặt (mũi) hoặc xung quanh vùng miệng. Tháng 11/2014, một cô gái ở Singapore tên là Jenny đã bị hoại tử mũi vì tiêm chất làm đầy Filler không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cô gái này do hạn chế về tài chính, không đủ tiền đến các thẩm mỹ viện uy tín nên đã tiêm nâng mũi từ một người không có chuyên môn. Người này sử dụng chất làm đầy có tên Natural Face khiến vài tiếng sau, mũi Jenny đau rát và phồng rộp lên. Vết phồng rộp trên mũi ngày một thâm lại và có dấu hiệu bị hoại tử. Đi khám bác sĩ, Jenny mới biết chất làm đầy là hàng nhái và không hề đảm bảo chất lượng.
Mới đây, Bệnh viện Sài Gòn ITO đã tiếp nhận nữ bệnh nhân C., 38 tuổi, ở Vũng Tàu đến khám với khuôn mặt sưng húp vì chiếc mũi bị lở loét, hậu quả của việc nâng mũi bằng chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Vì thường xuyên làm tóc tại một tiệm thẩm mỹ gần nhà, chị C. được chủ tiệm tư vấn tiêm chất làm đầy vào mũi để giúp mũi cao hơn chỉ với 8 triệu đồng. Mấy ngày sau, vùng da mũi bị sưng tấy, phồng rộp, chị C. tìm đến tiệm thẩm mỹ để yêu cầu khắc phục nhưng chủ tiệm phủi bỏ trách nhiệm. Đến khi tới bệnh viện khám, chị C. mới biết chất làm đầy được tiêm vào mũi mình có thành phần silicon lỏng rẻ tiền - chất bị khuyến cáo là độc hại và cấm sử dụng.
Đánh vào tâm lý thích làm đẹp kiểu “siêu tốc, siêu rẻ”, một số cơ sở làm đẹp đang có hiện tượng mập mờ, đánh lừa khách hàng bằng cách nói là tiêm chất làm đầy nhưng thực chất đó là silicon lỏng. Các cơ sở làm đẹp “chui” quảng cáo việc tiêm chất làm đầy với mức giá quá rẻ chỉ từ 4 – 8 triệu đồng, trong khi giá thành của silicon y học rất đắt đỏ. Khó ai có thể dám chắc những chất này có phải là loại chất làm đầy an toàn hay có thành phần silicon lỏng.
Rất cần được kiểm chứng
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba), thẩm mỹ bằng chất làm đầy đang được phái nữ ưa chuộng bởi chỉ cần một mũi tiêm đã loại trừ khiếm khuyết trên cơ thể. Tuy nhiên, “bất kỳ xâm lấn ngoại khoa nào cũng có ảnh hưởng tới cơ thể người sử dụng" - bác sĩ Thái cho biết.
Tại Việt Nam hiện nay, chỉ có một số chất làm đầy như Radiesse, Juverderm và Restylane… được chứng nhận chất lượng và cho phép lưu hành. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số cơ sở thẩm mỹ sử dụng những chất làm đầy không có chứng nhận chất lượng hoặc trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, khiến tỷ lệ bị vón cục, bị sưng, đỏ và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Cách đây chưa lâu, bác sĩ Thái phải giải quyết “hậu quả” cho một trường hợp bị biến chứng với các vết thâm tím sau khi tiêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội.
“Sử dụng chất làm đầy trên khuôn mặt có thể làm cho các búi cơ bị tê liệt, không còn linh hoạt trong việc thể hiện cảm xúc. Vì thế, khuôn mặt trở nên đơ cứng, mất cảm xúc; thậm chí còn gây nên các biến chứng khiến khuôn mặt bị méo mó, biến dạng. Nó còn làm ngăn cản sự sinh sôi của các tế bào, gây mất chức năng sinh lý tự nhiên của cơ thể. Đặc biệt, các chất trong mỗi mũi tiêm còn có thể lây lan ra các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến tình trạng giãn cơ, mất cơ, thậm chí làm gia tăng lượng mỡ để thay thế. Nếu quá lạm dụng phương pháp này có thể bị teo cơ và lão hóa nhanh hơn” – bác sĩ Thái cảnh báo. Nếu quá trình tiêm bị hỏng, biến chứng, gây biến dạng khuôn mặt thì việc khắc phục rất khó khăn. Dù có phẫu thuật để khắc phục cũng không thể giải quyết được 100% lượng chất làm đầy tồn tại trong cơ thể. Khi phẫu thuật nạo vét, khả năng 1% chất này còn sót lại dưới da hoặc sát xương vẫn có thể tái phát, hành hạ bệnh nhân.
Đánh giá về sự nguy hiểm của các loại chất làm đầy được bán, tiêm tràn lan như hiện nay, ông Đặng Văn Chính - Chánh Thanh tra Bộ Y tế khẳng định, cần kiểm tra cụ thể xem những chất làm đầy này đã được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành hay không. Việc tiêm chất làm đầy rất dễ tiềm ẩn nguy cơ giống như việc tự ý mua silicon lỏng để tiêm dẫn đến chết người như vụ việc tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.
“Từ những năm 1970, silicon lỏng cũng được các nước dùng phổ biến trong phẫu thuật thẩm mỹ và sau đó cả thế giới đều cấm sử dụng. Sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, người dân hiểu được mức độ nguy hại của silicon lỏng và tự không dùng nữa. Do đó, việc tự ý tiêm, bán chất làm đầy cũng cần phải kiểm tra, xem xét, nếu nguy hại thì phải có hình thức tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết cho những chị em có nhu cầu làm đẹp. Các chủ cơ sở làm đẹp tiến hành nhập chui, bán chui khiến cho công tác quản lý rất khó khăn” - ông Chính cho biết.
Ảnh minh họa
|