Biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Vũ Thái Hà - Khoa Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, Viện Da liễu T.Ư, phương pháp này có thể được dùng để làm đầy các vết nhăn trên gương mặt, nâng mũi, độn cằm, gò má, tạo hình môi trái tim… Chất làm đầy hiện nay được sử dụng nhiều vì hiệu quả mang lại rất rõ rệt, giúp tạo hình khuôn mặt không cần dao kéo, thời gian nhanh gọn, chỉ thực hiện trong vòng 10 - 15 phút. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê trước rồi dùng kim tiêm chuyên dụng đưa filler vào da với một lượng rất nhỏ để tạo hình.
Tuy nhiên, phương pháp tiêm filler đòi hỏi các yêu cầu cao về tay nghề bác sĩ và nguồn gốc chất làm đầy. Khoa Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc đã giúp nhiều chị em có khuôn mặt ưng ý sau khi tiêm filler. Tuy nhiên, thời gian qua, Khoa cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề ở vùng mặt do filler kém chất lượng, không rõ nguồn gốc từ các cơ sở thẩm mỹ viện bên ngoài. Có bệnh nhân mũi, cằm bị biến dạng do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật, có trường hợp lại bị nhiễm trùng do khâu vô khuẩn không đạt yêu cầu.Còn tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BV T.Ư Quân đội 108 cũng từng cấp cứu và khắc phục sự cố cho nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy. Đa phần là các trường hợp mũi bị biến dạng, môi hoại tử, ngực nhiễm trùng, biến dạng tuyến sữa. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ hoàn toàn phần ngực và tái tạo bộ phận mới.Cách đây chưa lâu, tại TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị L. (23 tuổi, Đắk Lắk) đến một thẩm mỹ viện ở quận 6, TP Hồ Chí Minh để tiêm filler nâng mũi. Trong lúc tiêm, mũi kim đâm trúng động mạch ở mũi và chất này tràn vào mắt khiến chị bị đột quỵ, xuất huyết não. Chị được cấp cứu tại BV và khám chuyên khoa mắt, các bác sĩ kết luận mắt chị bị teo nhãn cầu, mất thị lực mắt trái, viêm muống thể mi, không thể khắc phục được. Chị L. đã gửi đơn khởi kiện chủ cơ sở thẩm mỹ này lên Tòa án Nhân dân quận 6, TP Hồ Chí Minh vì cho rằng việc tiêm filler đã khiến chị bị hỏng mắt trái.Thận trọng khi sử dụngTheo bác sĩ Hà, dùng filler là phương pháp làm đẹp không xâm lấn hiệu quả, được nhiều người tin dùng, nhưng cũng có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng dễ gặp phải nhất là nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng sẽ làm chỗ tiêm tấy đỏ, có thể sưng lên, gây mất thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn là hoại tử mô gây ra do tắc mạch máu nhỏ do chất làm đầy. Nếu tiêm nhầm mạch máu sẽ gây mù mắt, liệt cơ… “Chỉ cần bác sĩ thực hiện không vững chuyên môn, thiếu kinh nghiệm hành nghề, lệch một đường kim thì rất nguy hiểm. Filler chỉ an toàn nếu tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá đúng tình trạng cơ thể và liều lượng thích hợp” - bác sĩ Hà nhấn mạnh. Theo quy định của nhiều tổ chức y tế, y khoa trên thế giới, người thực hiện tiêm filler bắt buộc phải là bác sĩ hoặc có giấy tờ chứng nhận mới có thể hành nghề. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ở nhiều cơ sở thẩm mỹ, nhân viên Spa không có trình độ y khoa, không được đào tạo chính thống, chỉ học “vài đường cơ bản” vẫn thực hiện tiêm cho khách hàng. Thậm chí, nhiều dịch vụ còn giới thiệu tiêm filler tại nhà nếu khách hàng có nhu cầu. Bệnh nhân gặp biến chứng chủ yếu thực hiện thủ thuật làm đẹp tại những cơ sở này. Khi tình trạng trở nên phức tạp, bệnh nhân mới đến bệnh viện điều trị. Trường hợp không kịp thời xử lý có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như di chứng, tử vong.Là người đã trực tiếp xử lý rất nhiều ca bị biến chứng do tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng, bác sĩ Hà khuyến cáo, chị em muốn làm đẹp, hãy đến các địa chỉ có uy tín được cơ quan chức năng cấp phép, được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề. Dù chưa có những nghiên cứu rõ ràng cho những trường hợp chống chỉ định tiêm filler, tuy nhiên một số trường hợp không nên sử dụng filler như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, những người mẫn cảm với các thành phần của filler hoặc thuốc tê, những người có các bệnh lý như máu khó đông, tiểu đường…